Từ ngày 1/9, Thông tư 19/2023/TT-BGTVT của Bộ GT&VT sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không sẽ có hiệu lực
Tại thông tư đã nêu rõ một số chính sách có lợi đối với hành khách di chuyển bằng máy bay. Cụ thể, khi có thay đổi thời gian khởi hành của chuyến bay, các hãng hàng không có trách nhiệm thông báo ngay cho hành khách về việc thay đổi này.
Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, hãng hàng không phải cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không.
Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển, các hãng hàng không còn phải thực hiện thêm các nghĩa vụ sau:
Chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên: Đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu.
Chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên: Nếu khách hàng không yêu cầu đổi chuyến mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng.
Cũng từ ngày 1/9, tại TP.HCM, có 5 trường hợp sử dụng vỉa hè không phải xin phép. Cụ thể, Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (có hiệu lực từ 1/9/2023) đã quy định chi tiết việc quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.
Trong đó, Điều 7 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định 32/2023/QĐ-UBND năm 2023 đã ghi nhận 5 trường hợp được sử dụng một phần vỉa hè không phải xin phép bao gồm:
- Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang với thời gian không quá 48 giờ (trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ đối với đám tang).
- Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa thuộc danh mục do Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành.
- Điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ
- Điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, dải phân cách, đảo giao thông
- Việc bố trí đường dành cho xe đạp.
Quy định về 7 trường hợp không được vay vốn ngân hàng cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Cụ thể, ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có quy định về “Những nhu cầu vốn không được cho vay ngân hàng” với 10 trường hợp cụ thể, áp dụng từ ngày 1/9/2023.
Tuy nhiên đến ngày 23/8/2023, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN với nội dung ngưng hiệu lực thi hành của một số trường hợp không được vay vốn ngân hàng cho đến ngày có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật mới.
Như vậy, từ ngày 1/9/2023, các tổ chức tín dụng không tiến hành cho vay đối với 7 nhu cầu về vốn sau đây:
- Để đầu tư kinh doanh ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
- Để thanh toán chi phí hoạt động kinh doanh thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và các giao dịch, hành vi khác mà pháp luật cấm.
- Để mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư.
- Để mua vàng miếng.
- Để trả nợ cho các khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi phát sinh trong thời gian thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay đã được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn và đáp ứng đủ 2 điều kiện: Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ. Là khoản vay chưa cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Bảo An (T/h)