Báo VnExpress dẫn thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), hộ gia đình sau khi tải ứng dụng EVNHCMC CSKH về (trên App Store của iOS hoặc CH Play của Android), có thể dùng số điện thoại để tạo tài khoản sử dụng và nhập mã PE gồm 13 ký tự để kiểm tra thông tin tiền điện. Được phát triển từ năm 2015, ứng dụng này còn có thể báo chỉ số điện mỗi ngày, lịch cắt điện và các dịch vụ khác.
Điện lực TP.HCM là đơn vị đầu tiên bỏ hẳn các kênh thông báo truyền thống. Trước đây, thông báo tiền điện được gửi theo hoá đơn giấy về tận nhà, tin nhắn SMS về điện thoại. Vài năm gần đây, điện lực các địa phương gửi thông báo qua kênh Zalo hoặc App (nếu khách hàng sử dụng) thay vì tin nhắn SMS để giảm chi phí. Tại Hà Nội, EVNHN vẫn gửi đồng thời thông báo qua kênh Zalo.
Tất cả khách hàng tại TP.HCM đều ghi chỉ số vào cuối tháng nên theo EVNHCMC, việc thanh toán tiền điện được thực hiện vào đầu tháng, từ ngày 2 đến 5 hàng tháng.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ về việc sẽ có một bộ phận người dân không có điện thoại thông minh để cài ứng dụng thì làm sao biết chỉ số điện và tiền điện, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết đúng là sẽ có một bộ phận nhỏ rơi vào trường hợp trên.
"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ rà soát lại để có hướng hỗ trợ và tư vấn phương án cho khách hàng. Ngoài ra toàn TP.HCM đã chốt ghi chỉ số điện vào cuối tháng, thời gian thanh toán vào ngày 2 đến 5 hằng tháng. Do đó, người dân có thể thông qua các điểm thu hộ để trả tiền điện mình đã dùng. Hoặc thông qua ứng dụng ngân hàng để tra thông tin tiền điện sử dụng", ông Kiên nói.
Ông Kiên cho biết thêm trước đây thông tin tiền điện có chuyển qua ứng dụng Zalo, nhưng nay đã thu phí nên việc sử dụng ứng dụng ngành điện sẽ tốt hơn. Qua đó giảm những chi phí liên quan có thể ảnh hưởng tới giá điện.
V.A(T/h)