+Aa-
    Zalo

    TS.Dương Thanh Biểu và những âm hưởng tình người trong phá án: Lời khai trước lúc ra pháp trường vạch trần cán bộ tổng cục Cảnh sát (Bài 3)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vào những năm 1996-1997, Thủ đô Hà Nội chấn động bởi vụ án Vũ Xuân Trường - Cán bộ tổng cục Cảnh sát và đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy.

    Vào những năm 1996-1997, Thủ đô Hà Nội chấn động bởi vụ án Vũ Xuân Trường - Cán bộ tổng cục Cảnh sát và đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy. Theo đánh giá của ông Dương Thanh Biểu, đây là vụ án có số bị cáo, đặc biệt là cán bộ trong các cơ quan tư pháp bị tuyên tử hình nhiều nhất kể từ khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực.

    Lời khai “động trời” trước khi ra pháp trường

    Trước khi kể về vụ án Vũ Xuân Trường, ông Dương Thanh Biểu nhắc đến vụ án Siêng Phênh và Siêng Nhông trước đó. Đây cũng là xuất xứ của vụ án Vũ Xuân Trường sau này.

    Đó là vào tháng 1/1995, Vũ Hữu Chỉnh, Phó phòng 8- cục Cảnh sát kinh tế C15, bộ Nội vụ (nay là bộ Công an) đã có báo cáo gửi lãnh đạo Cục về đường dây mua bán ma túy trên tuyến đường Tây Bắc - Hà Nội. Ngày 18/1/1995, các trinh sát tiến hành theo dõi chiếc xe có biển số Lào 0054 chạy trên đường Giảng Võ - Hà Nội. Tại đây, các trinh sát đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 21 cặp heroin với trọng lượng 15kg được giấu trong cánh cửa, bầu lọc gió...

    Chiếc xe ô tô này do Siêng Nhông điều khiển. Trên xe còn có Siêng Phênh là chủ số hàng trên (cả hai là người Lào). Sau đó, vụ án được khởi tố. Vụ 2C được giao nhiệm vụ thụ lý kiểm sát điều tra.

    Ông Biểu nhớ lại: “Cuộc điều tra lúc đầu có vẻ thuận buồm xuôi gió nhưng về sau gặp không ít trắc trở, khó khăn.

    Sau 7 tháng điều tra, CQĐT chỉ kết luận được số heroin trên là của Siêng Phênh, Siêng Nhông chỉ là người lái xe thuê và không biết trên xe có heroin. Mặc dù vụ 2C và CQĐT đã tiến hành thực nghiệm điều tra (cách thức lái xe, cách giấu heroin...), tiến hành đối chất giữa các bị can, xác minh thêm một số tài liệu nhưng các biện pháp cũng không thêm gì mới.

    “Tình tiết đáng chú ý trong cuộc họp với CQĐT, cán bộ trinh sát cho hay, khi bị bắt quả tang thì Siêng Phênh và Siêng Nhông đã quỳ lạy xin tha và xin hối lộ. Lãnh đạo CQĐT lúc đó yêu cầu các cán bộ trinh sát làm báo cáo về việc trên. Nhưng sau đó, vấn đề này lại không được nêu vào báo cáo. Hành vi quỳ lạy của Siêng Nhông cho thấy hắn có liên quan”.

    Liên quan đến vụ án, quan điểm CQĐT và vụ 2C khác nhau, cơ bản về đánh giá chứng cứ đối với hành vi của Siêng Nhông. CQĐT cho rằng hành vi của Siêng Nhông là có tội nên kiên quyết đề nghị truy tố. Còn quan điểm của vụ 2C thì ngược lại. Sau đó, cuộc họp chuyên viên liên ngành được tiến hành và thống nhất, Siêng Nhông là lái xe, phải có trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của Siêng Phênh.

    Do vậy việc khởi tố, bắt giam Siêng Nhông là không oan. Nhưng đến giai đoạn kết thúc điều tra, phải tách 2 đối tượng ra để xét xử riêng.

    Ngày 30/6/1995, TAND TP.Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Siêng Phênh vận chuyển trái phép ma túy. Tại phiên tòa, Siêng Phêng và Siêng Nhông vẫn giữ lời khai như ban đầu. HĐXX đã tuyên án tử hình đối với Siêng Phênh. Tòa phúc thẩm sau đó vẫn quyết định y án sơ thẩm.

    Vũ Xuân Trường.

    Tháng 7/1995, VKSNDTC có quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho Siêng Nhông. Cũng trong thời gian này, tháng 10/1995, ông Biểu được Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm làm Vụ trưởng vụ Kiểm sát điều tra án an ninh thuộc VKSNDTC.

    Ngày 21/6/1996, bản án tử hình Siêng Phênh được thi hành. Mờ sáng hôm đó, hắn chuẩn bị được giải ra pháp trường. Bất ngờ trong giây phút cái chết kề cận, tử tù này đã khai ra bí mật động trời. Hắn khai thêm nhiều đồng phạm ở Hà Nội, Điện Biên. Đặc biệt có cả Đại úy Vũ Xuân Trường - cán bộ của tổng cục Cảnh sát.

    Kẻ biến chất lộ nguyên hình

    Để kiểm tra tính xác thực thông tin Siêng Phênh đã khai, cán bộ hỏi y về họ tên, địa chỉ, chức vụ của những người mà hắn tiết lộ. Siêng Phêng đã khai báo đúng và đủ đến từng chi tiết về các nhân vật cộm cán liên quan. Ngoài Đại úy Vũ Xuân Trường, Siêng Phênh còn khai thêm nhiều đối tượng ở Điện Biên, Hà Nội có hành vi mua bán heroin.

    “Siêng Phênh tiếp tục khai còn 23 bánh heroin vẫn được giấu trong thùng xăng của chiếc xe chưa bị phát hiện. Trên cơ sở lời khai của Siêng Phênh, Hội đồng thi hành án tử đã thống nhất báo cáo cấp trên và quyết định tạm hoãn thi hành án đối với Siêng Phênh để điều tra tiếp”, ông Biểu kể lại.

    Đầu năm 1996, Công an TP.Hà Nội đã xác lập chuyên án đấu tranh tội phạm mua bán vận chuyển trái phép ma túy từ Lào, Thái Lan sang Việt Nam qua cửa khẩu Tây Trang (tỉnh Điện Biên). Như vậy, lời khai của Siêng Phênh tại pháp trường phù hợp với chuyên án Công an Hà Nội xác lập.

    Ngày 4/7/1996, CQĐT tiến hành bắt giam, khám xét nhà Vũ Xuân Trường. Gã cán bộ biến chất này sau đó thừa nhận tham gia buôn bán heroin từ năm 1994. Mở rộng chuyên án, xác định đường dây có tới 40 đối tượng do Trường cầm đầu.

    Trở lại vụ án Siêng Phênh, sau khi đối tượng này bị bắt, Vũ Xuân Trường biết trên xe còn số lượng lớn heroin chưa bị phát hiện thu giữ. Với máu tham, Trường bàn bạc với Vũ Hữu Chỉnh lập báo cáo với nội dung tạo dựng kế hoạch đưa trinh sát giả đưa nhầm chiếc ô tô chứa ma tuý ra khỏi khu vực quản lý của C16 để chiếm đoạt heroin.

    Đến lúc này, Vũ Xuân Trường và Vũ Hữu Chỉnh lộ nguyên hình là những cán bộ biến chất, gian xảo. Chúng không từ bỏ thủ đoạn xảo quyệt nào để qua mặt cấp trên nhằm chiếm đoạt nốt số heroin.

    (Còn nữa)

    Hương Lan - Đặng Thủy

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tsduong-thanh-bieu-va-nhung-am-huong-tinh-nguoi-trong-pha-an-loi-khai-truoc-luc-ra-phap-truong-vach-tran-can-bo-tong-cuc-canh-sat-bai-3-a332953.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan