LTS: Suốt 30 năm “theo dòng công lý”, đi qua “miền sáng tối”, TS.Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) luôn giữ phong thái công minh, chính trực, khách quan và thận trọng. Khoác trên mình màu áo “thiên thanh”, ông trực tiếp tham gia nhiều vụ án gai góc như N2 Đồng Nai, Vũ Xuân Trường hay giải oan cho cụ Tạ Đình Đề... Hậu trường mỗi vụ án như một thước phim soi tỏ những thân phận, cuộc đời lầm lỡ. Tạp chí ĐS&PL xin gửi đến độc giả những vụ án đình đám một thời qua hồi ức của vị nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC.
Bài 1: Ăn cháo đá bát, “nữ quái” dụng kế chiếm nhà, đẩy chủ vào lao lý
Khi được giao nghiên cứu lại hồ sơ, ông Dương Thanh Biểu đã cùng vụ Kiểm sát điều tra án trị an an ninh (vụ 2B) thụ lý 1 vụ án oan đình đám Hà Nội. Đây là vụ án “giải oan giữa lòng Hà Nội” khi bị hại về sau lại trở thành bị cáo.
Lời khẩn cầu của ông giáo
“Bây giờ thực lòng mà nói, tôi không có điều kiện để nhớ hết, kể hết những gì xảy ra trong quá khứ cho nhà báo nghe. Bao nhiêu vụ việc, bao nhiêu con người, chi tiết, tình huống… đan xen, chồng chất lên nhau trong hồi ức như một núi tài liệu. Tuy nhiên, một trong những vụ án tôi luôn đau đáu chính là vụ giải oan giữa lòng Hà Nội”, TS. Biểu mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi một cách dung dị như thế.
Vụ án xảy ra khi ông mới chân ướt chân ráo từ VKSND tỉnh Thái Bình chuyển về vụ 2B (Kiểm sát điều tra án trị an an ninh). Ông nhớ như in, vào một ngày cuối năm 1975, bầu trời Hà Nội u ám, rét giữa đông như cắt da. Khi ấy, ông đang nghiên cứu tài liệu thì được Phó Vụ trưởng yêu cầu tham gia buổi tiếp dân.
“Người đàn ông trạc tuổi 65 ngồi thu mình trên chiếc ghế dành cho khách. Nét mặt rầu rĩ, mái tóc muối tiêu bù xù. Thấy chúng tôi, người đàn ông nhọc nhằn lên tiếng: Tôi là Nguyễn Thế Bưu, giáo viên trường cấp II Lý Thường Kiệt, Hà Nội đến xin trình bày về nỗi oan khuất của vụ kỳ án xảy ra hơn 3 năm trước.
Ông Bưu trình bày, căn nhà tại 15 ngõ Yên Thế do ông thuê của nhà nước từ năm 1961 với giá 14 đồng/tháng. Sau đó bị Nguyễn Thị Hợi chiếm đoạt. Dù gia đình ông đã khiếu nại nhiều lần nhưng không được giải quyết, đã thế ông và đứa cháu bị Tòa án xét xử oan. Kể đến đây, ông Bưu khóc tức tưởi, ông nói gia đình ông chịu oan khuất vô cùng và đề nghị VKSNDTC đèn trời soi xét cứu oan cho gia đình ông. Lời nói của ông Bưu khiến tôi day dứt”, giọng ông Biểu chùng xuống.
Bất giác ông kể tiếp: “Sau hôm tiếp ông Bưu, tôi nhận ra mình từng thấy ông ở ngay cổng cơ quan. Hôm đó, khi bước vào cổng, tôi thấy ông Bưu đứng khom khom chắp tay về phía cây si cổ thụ vái lạy. Vừa chắp tay ông vừa lẩm bẩm điều gì đó, nước mắt giàn giụa. Chắp nối lại với những gì ông giáo tình bày, tôi mới hiểu ông đang cầu nguyện giải oan”.
Theo lời kể của ông Biểu, ít hôm sau khi nhận được đơn, đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt trực tiếp cho xác minh ngay. Sau một thời gian điều tra tỉ mỉ, cẩn thận, nội dung vụ án đã được lật lại. Tháng 10/1973, VKSNDTC và TANDTC đã tiến hành xét xử, tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Nội, giao VKSNDTC điều tra lại toàn bộ.
Hơn 30 năm hoạt động trong ngành kiểm sát, ông Biểu luôn trăn trở với từng vụ án. |
“Biến khách thành chủ”... cướp nhà
Chuyện là, ông giáo Bưu có vợ tên Nguyễn Thị Chuyên. Năm 1965, ông Bưu đi sơ tán theo trường, bà Chuyên ở nhà trông nom nhà cửa. Cũng thời điểm này, bà Hợi là nhân viên bán hàng thực phẩm hay lui tới. Thương cảm hoàn cảnh khó khăn của bà Hợi, con nhỏ lại phải đi làm xa nên bà Chuyên cho gia đình Hợi ở nhờ căn phòng 32m2.
Sau khi được ở nhờ, Hợi và chồng là Trần Trung Phúc dụng kế “biến khách thành chủ” chiếm đoạt căn nhà của vợ chồng ông Bưu. Trước tiên, Hợi xin được nộp và đứng tên tiền thuê phòng. Tiếp đó, Hợi móc nối với cán bộ Nhà nước cho di chuyển nơi ở cũ ở phố Nguyễn Khuyến về 15 Yên Thế. Hộ khẩu cũng được chuyển về đây. Chưa hết, Hợi còn móc nối với cán bộ tòa án, cán bộ lãnh đạo khu (nay là quận Đống Đa) sang tên chủ sử dụng căn phòng của vợ chồng ông giáo Bưu.
Năm 1969, ông Bưu đi sơ tán về yêu cầu Hợi trả phòng, Hợi chây ỳ, khất lần. Hai gia đình cũng vì thế thường xuyên xích mích. Tháng 3/1972, anh Nguyễn Văn Khánh (cháu gọi bà Chuyên bằng cô) qua thăm vợ chồng ông giáo Bưu. Biết chuyện, anh bất bình nên rủ 4 người bạn là thương binh đến 15 ngõ Yên Thế chuyển hết đồ đạc của nhà Hợi ra ngoài.
Vốn bản chất ác độc, vợ chồng Hợi đã vu cáo ông Bưu và Khánh hủy hoại tài sản, gây thiệt hại cho gia đình Hợi 3.000 đồng. Đồng thời tố cáo ông Bưu cùng Khánh đánh mình sưng mặt mũi, có kèm giấy chứng thương của bệnh viện. Đó cũng chính là nguồn cơn ông Bưu và Khánh trở thành bị can, bị truy tố.
“Lưới trời lồng lộng, thưa nhưng khó lọt”, sau khi VKSNDTC điều tra lại đã vạch trần sự gian xảo của Phúc. Điều bất ngờ trong vụ án là vết thương trên khuôn mặt Phúc là do hắn tự gây nên. Hắn đã dùng một loại hóa chất tự làm tổn thương mặt. Qua đó, còn phát hiện thêm Trần Văn Khai, cán bộ TAND TP.Hà Nội đã tiếp tay, bày mưu cho Hợi trong việc chiếm đoạt nhà của ông giáo Bưu.
Cơ quan điều tra cũng phát hiện Nguyễn Đức Luật, Phó Chủ tịch UBHC khu Đống Đa đã có hành vi làm trái chế độ chính sách gây hậu quả nghiêm trọng”, TS. Biểu nhắc lại diễn biến vụ án.
Sau đó, CQĐT đề nghị truy tố Hợi về 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng nhà ở của công dân và tội Vu cáo người khác phạm tội; Trần Trung Phúc về tội Vu cáo và tội Lừa đảo. Bệnh cạnh đó, Trần Văn Khai đồng phạm với với Hợi và Phúc về tội Lừa đảo; đề nghị truy tố Nguyễn Đức Luật tội Cố ý làm sai công việc mình phụ trách gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa xét xử vợ chồng Hợi, ông Biểu có tham dự. Đây là vụ án gây chấn động dư luận thời bấy giờ bởi vợ chồng Hợi đã dùng thủ đoạn tinh vi móc ngoặc, chạy chọt, làm tha hóa một số bộ máy có chức, có quyền để bao che lợi ích đen tối bẩn thỉu của mình.
(Còn nữa)
Hương Lan - Đặng Thủy
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (120)