Liên quan đến việc chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) truyền vong báo oán, thiền sư Hoàng Minh Sơn cho hay nhiều người đang hiểu sai về vong báo oán và hiểu sai về cách cúng sao giải hạn.
Mới đây, dư luận tỏ ra bất ngờ trước thông tin tại chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) có hoạt động gọi vong. Theo đó, vào từng đợt trong tháng, nhà chùa sẽ tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu. Trung bình, mỗi người đến thỉnh vong giải nghiệp phải nộp tiền cúng dường (công đức) vào nhà chùa từ 3 triệu đồng đến cả chục triệu đồng.
Chùa Ba Vàng khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua khi xuất hiện nghi vấn "truyền bá vong báo oán". |
Trước thông tin rất đông người đến chùa Ba Vàng để thỉnh vong, giải nghiệp, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thiền sư Hoàng Minh Sơn.
Theo thiền sư Minh Sơn, từ thời đức Phật tái thế, chùa là nơi cho các nhà sư, xuất gia trú ngụ, để họ có nơi tu tập, tránh mưa nắng. Sau này có thêm ý nghĩa thờ Phật.
Bày tỏ ý kiến của mình trước sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng thiền sư Minh Sơn cho rằng: “Người Việt Nam chúng ta vẫn sống gắn bó với thế giới tâm linh bằng cúng tổ tiên, đi lễ, quan tâm đến mồ mả, tử vi… Trong Kinh Phật, Phật chỉ dạy cho chúng sinh giác ngộ trí tuệ, thoát khỏi sự vô minh để không tạo nghiệp chướng về sau, để không tạo sự đau khổ. Khi có trí tuệ thì chúng ta nghĩ đúng, nói đúng và hành động đúng, và kết quả sẽ đúng, điều đó sẽ mang lại hạnh phúc.
Bên cạnh đó, đến chùa và tu tâm là để cho tâm thanh thản không bị phiền nhiễu trước ngoại cảnh, luôn bình tĩnh, sáng suốt trước mọi ngoại cảnh khiến con người luôn hoan hỉ, an lạc và cuối cùng là chuyển các nghiệp chướng từ các kiếp trước do mình tạo ra. Giáo lý của Kinh Phật đều là giải thoát con người khỏi sự đau khổ”.
Việc thu lợi thỉnh vong giải nghiệp trong chùa là không thể chấp nhận được. - Ảnh: Báo Lao Động |
Cũng trao đổi thêm về những dịch vụ tâm linh tại các chùa hiện nay như thỉnh vong, cúng sao giải hạn, thiền sư Minh Sơn cho rằng: “Trong Kinh Phật có dạy là không có cúng bái, ai mà cúng bái là ngoại đạo, đi ngược với lời dạy của Phật, thêm nữa việc giải hạn trong Kinh Phật cũng không có. Thường thì hạn có 3 nguyên nhân, thứ nhất do sao chiếu (các sao trong lá số tử vi, các sao từ đạo giáo), hạn theo năm (các năm tuổi, năm 49 tuổi, năm 53 tuổi…) và hạn từ nghiệp chướng (nghiệp đủ duyên thì có kết quả).
Cho nên, nếu cúng bái giải hạn ở chùa thì cũng chỉ là trấn an tinh thần con người khỏi lo lắng thôi chứ có giải hạn được hết hay giải hạn được một phần hay không thì chính các thầy cũng không biết được và các thầy cũng không kiểm soát được.
Phật có dạy “mình gieo nhân nào gặt quả nấy”, gieo nhân tốt thì gặt quả tốt, gieo nhân xấu thì gặt quả xấu. Việc giảm hạn của một người được một phần hay giảm hết còn tùy thuộc vào âm phúc, mồ mả, phong thủy, tử vi, đạo đức của người đó.... Tuy nhiên, đến chùa đóng tiền chỉ làm lễ mà hạn được giải được hạn là điều không có, trái với luật Nhân Quả trong đạo Phật. Cách giải hạn tốt nhất là chúng ta sống tốt, đó là: Thứ nhất tu nhà, sống trong nhà, trong gia đình thật tốt, thứ hai tu chợ, đối xử với mọi người tử tế rồi mới thứ ba tu chùa là đến chùa lễ Phật.
Do vậy, thay vì đi thỉnh vong giải nghiệp, cúng sao giải hạn thiền sư Minh Sơn cho rằng mỗi người nên chăm thờ cúng tổ tiên, sống tốt và xây dựng mối quan hệ gia đình, xã hội hài hoà, hoà thuận… Rồi sau đó lên chùa lễ Phật để mong được bình yên, thanh thản tâm hồn.
“Đừng nên bỏ mấy trăm nghìn hay cả vài triệu đồng để giải hạn tại chùa... Phật nói, giúp đỡ chúng sinh chính là cúng dường chư Phật, nên các thầy ở các chùa giúp được chúng sinh thì không được đòi hỏi tiền và không được tham thì mới đúng là người xuất gia mà Phật nói trong Kinh”, thiền sư Minh Sơn bày tỏ.
Thanh Lam
Theo Người Đưa Tin