(ĐSPL) - “Nội dung chúng tôi ghi trên tấm bảng hoàn toàn nói đúng thực tế, bản thân tôi cũng đã có 10 năm viết báo. Viết bài gãy tay, nhuận bút 200 ngàn, những người cho rằng đây là sự sỉ nhục thì hãy giải thích sỉ nhục ở chỗ nào, đâu là xúc phạm. Về câu từ, bạn phải chỉ cho tôi xúc phạm ở chỗ nào, gãy tay là xúc phạm hay 200 ngàn là xúc phạm”. - anh Nguyễn Ngọc Long – Trưởng nhóm Truyền thông Trăng đen cho hay.
Ngày 20/8 vừa qua, trên một trang fan page dành cho giới trẻ, cư dân mạng tỏ ra bức xúc với hình ảnh 2 thanh niên cầm trên tay tấm bảng đứng trước cổng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) kêu gọi sinh viên bán hàng đa cấp.
Nội dung tấm bảng có nội dung: "Viết bài gãy tay, nhuận bút 200 ngàn. Tham gia mạng lưới Sinhvienchuan.com, một tháng có 200 triệu. Sinh viên chuẩn, học làm giàu. Chỉ việc chơi, tiền bay tới".
Hình ảnh này sau đó được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Rất nhiều bạn trẻ tỏ ra khá ngạc nhiên và có phần bức xúc khi hai người đàn ông áp dụng hình thức "lôi kéo" các sinh viên trường Báo một cách công khai thế này.
Chưa dừng lại ở đó, chiều cùng ngày, nhóm người này tiếp tục dở trò dụ dỗ tương tự tại cổng trường Học viện Quốc gia. Vẫn tấm bảng cũ, nhưng nội dung lần này là: “Sinh viên Đại học Quốc gia, lương không bằng quốc đất. Tham gia mạng lưới Sinhvienchuan.com, một tháng có 200 triệu. Sinh viên chuẩn, học làm giàu. Chỉ việc chơi, tiền bay tới".
Hành động dụ dỗ các bạn sinh viên bán hàng đa cấp đã nhận vô vàn gạch đá của cộng đồng mang, nhiều người cho rằng nội dung trên tấm bảng hai thanh niên sử dụng là sự sỉ nhục các bạn sinh viên.
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống & Pháp luật, những hình ảnh nêu trên thực chất là một bài test phản ứng của sinh viên với kinh doanh đa cấp được truyền thông Trăng Đen thực hiện.
Sáng 21/8, liên hệ với Truyền thông Trăng Đen, anh Nguyễn Ngọc Long (trưởng nhóm) cho biết, 2 thanh niên trên thực ra là thành viên của nhóm truyền thông Trăng Đen. Nhóm thực hiện việc làm trên với mong muốn có một bài test nhỏ để đo phản ứng của các bạn sinh viên cũng như cộng đồng mạng xem có dễ bị dụ dỗ và lôi kéo tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp hay không.
Trưởng nhóm Truyền thông Trăng Đen cho hay, bài test ngày hôm qua huy động 9 nhân sự, hai thanh niên xuất hiện trong ảnh là những người trực tiếp sắm vai “chuyên viên đa cấp” để mời chào, dụ dỗ các bạn sinh viên.
Sau thời gian 20h kể từ khi thực hiện bài test trên (buổi sáng trước cổng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, buổi chiều trước cổng Đại học Quốc gia) website đã thu hút gần 50.000 người truy cập, với hơn 11.000 đơn đăng ký nhận tài liệu "làm giàu chân chính" của nhóm Truyền thông Trăng Đen.
Trả lời về việc nhiều ý kiến cho rằng việc nhóm sử dụng môi trường làm báo và mức lương của sinh viên Đại học Quốc gia để tạo hiệu ứng là một cách xúc phạm, sỉ nhục ngành nghề, anh Long đưa ra quan điểm:
“Nội dung chúng tôi ghi trên tấm bảng hoàn toàn nói đúng thực tế, bản thân tôi cũng đã có 10 năm viết báo. Viết bài gãy tay, nhuận bút 200 ngàn, những người cho rằng đây là sự sỉ nhục thì hãy giải thích sỉ nhục ở chỗ nào, đâu là xúc phạm. Về câu từ, bạn phải chỉ cho tôi xúc phạm ở chỗ nào, gãy tay là xúc phạm hay 200 ngàn là xúc phạm”.
Anh Long giải thích thêm: “Ban đầu thông điệp của chúng tôi là: Viết bài bục mặt, nhuận bút 200 ngàn. Nhưng sau đó đã sửa thành viết bài gãy tay. Tại trường Đại học Quốc gia cũng vậy, các bạn phải giải thích từ nào mang hàm ý xúc phạm”.
Trưởng nhóm truyền thông trắng đen cho hay mình không quan tâm tới những lời bình luận cho rằng hành động của mình là xúc phạm ngành nghề.
“Cộng đồng mạng là một thứ tào lao và ngu ngốc, chúng ta không nên để cái thứ gọi là cộng đồng mạng dắt mũi. Vì vậy, tôi không quan tâm tới những lời bình luận trên mạng, một ngày có bao nhiêu lời bình luận trên mạng, làm sao tôi có thể quan tâm hết tới những việc như vậy” - anh Nguyễn Ngọc Long cho hay.
Giải thích thêm về ý tưởng lấy việc kinh doanh đa cấp để làm bài test các bạn sinh viên, trưởng nhóm Truyền thông trắng đen cho hay: “Về ý tưởng này, tôi mới nảy ra nó cách đây 2 ngày khi bay ra Hà Nội giảng dạy. Từ xưa tới giờ tôi luôn là người kỳ thị đa cấp, không cần biết đa cấp xấu hay đa cấp tốt. Đó là con người của tôi.”
Xuân Tùng
[mecloud]vZzPJHruaU[/mecloud]