Báo Thanh Niên đưa tin, ngay trước thời điểm đội tuyển Indonesia chạm trán đội tuyển Việt Nam tại bảng F thuộc vòng loại thứ 2 World Cup 2026, truyền thông Indonesia đã chỉ ra nguyên nhân khiến hàng tiền đạo của đội nhà rất yếu kém.
"Hiện có bao nhiêu cầu thủ người Indonesia thi đấu ở vị trí tiền đạo tại giải Liga 1 (giải đấu cao nhất trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của Indonesia)? Tại sao các tiền đạo của đội tuyển Indonesia hiện nay không còn sắc bén?", trang CNN Indonesia đặt ra câu hỏi.
Ngay sau đó, CNN Indonesia đã nêu đáp án: "Tại giải VĐQG, tất cả 18 CLB đều sở hữu ít nhất 2 tiền đạo ngoại trở lên. Chỉ có khoảng 25 – 30 cầu thủ nội đang chơi ở vị trí tiền đạo tại giải vô địch quốc gia Indonesia. Trong số đó, chỉ có khoảng 2% những người này thi đấu ở vị trí tiền đạo mũi nhọn, là tay săn bàn chủ lực ở CLB của họ".
Đây là con số đáng báo động đối với bóng đá Indonesia, do đó không có gì lạ khi các tiền đạo của bóng đá xứ sở vạn đảo hiện nay không còn được đánh giá cao như chính họ cách đây hơn chục năm trở về trước.
Truyền thông xứ sở vạn đảo thừa nhận rằng, sau khi Bambang Pamungkas giải nghệ vào năm 2012, có cảm giác như không còn tiền đạo nào của đội tuyển Indonesia có tên có thể khiến đối thủ trong khu vực phải khiếp sợ, theo báo Tiền Phong. Ngay cả khi nhập tịch, Indonesia cũng không tìm ra “chân sút” chất lượng.
Theo đánh giá của truyền thông Indonesia, hàng công cùn mòn là điểm yếu lớn nhất, cũng là nỗi lo thường trực nhất khi Garuda chạm trán đội tuyển Việt Nam vào các ngày 21/3 và 26/3.
“Kể từ 2012 tới nay, chúng ta chưa bao giờ có một chân sút nào đạt đẳng cấp cao. Bằng chứng là các kỳ AFF Cup 2012, 2014, 2016, 2018, 2020 và 2022, không có cầu thủ Indonesia nào lọt vào danh sách Vua phá lưới.
Danh hiệu này từ đó đến nay là cuộc chơi của các tiền đạo Thái Lan và Việt Nam Thực sự, chúng ta rất nhớ những Gendut Doni Christiawan, Bambang, Ilham Jaya Kesuma hay Budi Sudarsono”, CNN Indonesia viết.
Lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng này là các CLB ở giải VĐQG Indonesia ưu tiên tiền đạo ngoại nên không còn đất phát triển cho các chân sút nội. Theo CNN Indonesia, những cầu thủ vốn là tiền đạo của bóng đá Indonesia trước đó hiện chuyển sang chơi ở vị trí tiền vệ hoặc chuyển ra đá cánh. Một trong số đó là Erza Walian.
Được biết, trong số các tiền đạo hiện có của bóng đá Indonesia, Dedik Setiawan ghi nhiều bàn thắng nhất ở Liga 1, với 9 pha lập công, tiếp đó là Ramadhan Sananta (8 bàn). Tuy nhiên, phải trải qua đến 29 vòng đấu, hai tiền đạo này mới đạt đến con số đó. Stefano Lilipaly ghi được 11 bàn nhưng anh không phải tiền đạo mà thường đá cánh hoặc đá hộ công.
Đáng nói, những cầu thủ có quốc tịch Indonesia ghi được nhiều bàn thắng nhất ở Liga 1 hiện nay, gồm Stefano Lilipaly và Dedik Setiawan không được HLV Shin Tae-yong gọi lên đội tuyển quốc gia trong thời gian dài vừa qua. Đội tuyển Indonesia hiện nay của vị chiến lược gia này tràn ngập cầu thủ nhập tịch.
Thế nhưng, khi nhìn vào các “chân sút” nhập tịch, CNN Indonesia cũng không mấy lạc quan bởi Rafael Struick và Ragnar Oratmangoen không có phong độ ghi bàn tốt ở CLB chủ quản.
Oratmangoen đã ra sân 21 trận tại giải VĐQG Hà Lan nhưng chưa có bàn thắng nào, mà chỉ chủ yếu kiến tạo. Trong khi đó, Struick cũng ”tịt ngòi” hoàn toàn ở cả CLB và ĐTQG.
Đinh Kim(T/h)