Theo truyền thông Mỹ, “sự thành công của Việt Nam chủ yếu nhờ những quyết sách quan trọng được thực hiện sớm, trong khi Mỹ lúc đó vẫn đang trong giai đoạn suy tính”.
Người dân đeo khẩu trang, đứng xếp hàng ở khoảng cách theo quy định chờ được phát gạo miễn phí ở Hà Nội trong dịch Covid-19. |
Báo Washington Post mới đây đã đăng tải bài viết phân tích thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Adam Taylor, tác giả bài viết, cho rằng Việt Nam đã mở ra những “bài học” cho Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu.
“Mặc dù có đường biên giới chung với Trung Quốc, với dân số hơn 95 triệu người và thu nhập tương đối thấp, Việt Nam vẫn là câu chuyện thành công ngoại lệ trong đại dịch. Việt Nam có 270 trường hợp được xác nhận nhiễm virus và không có trường hợp tử vong.
Việt Nam đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà họ bắt đầu triển khai từ tháng 2, cho phép các nhà hàng và hiệu cắt tóc mở cửa trở lại từ tuần trước”, bài viết trên báo Mỹ cho biết.
Tờ báo này đồng thời dẫn phân tích của hai chuyên gia Robyn Klingler-Vidra từ Trường King’s College London và Ba-Linh Tran của ĐH Bath cho rằng có 3 chiến thuật đã giúp Việt Nam kiểm soát dịch thành công: kiểm tra thân nhiệt và xét nghiệm, phong tỏa có trọng điểm và truyền thông liên tục.
Bài viết trên Washington Post cũng đề cập tới mối quan hệ Việt - Mỹ cũng như sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời cảm ơn tới “những người bạn ở Việt Nam” vì đã hỗ trợ chuyển giao 450.000 bộ đồ bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam tới Mỹ.
Trong khi đó, hãng thông tấn DPA (Đức) dẫn ý kiến của ông Kidong Park, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết: "Việt Nam đã phản ứng với dịch bệnh từ sớm và chủ động. Họ đã có hoạt động đánh giá nguy cơ dịch bệnh, ngay sau khi những ca bệnh đầu tiên được công bố tại Trung Quốc".
Ở một góc độ phân tích khác, Đài DW (Đức) nhận định Việt Nam đã triển khai các biện pháp chống dịch như thiết lập chính sách cách ly phòng ngừa nghiêm ngặt, truy vết tiếp xúc với những người có nguy cơ phơi nhiễm ở thời điểm sớm hơn nhiều so với một số nước sau khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên.
Mộc Miên (T/h)