+Aa-
    Zalo

    Truyền hình thực tế: Tận dụng mảng miếng “chợ búa” để cứu nội dung chuyên môn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kịch tính là yếu tố cần thiết để thu hút sự chú ý của khán giả đối với chương trình truyền hình thực tế. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi...

    Kịch tính là yếu tố cần thiết để thu hút sự chú ý của khán giả đối với chương trình truyền hình thực tế. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng tốt sẽ kéo lượng rating lớn, nếu không sẽ gây ra sự phản cảm. Và trên thực tế, nhiều chương trình đang lạm dụng, vượt quá giới hạn cho phép…

    Từ “võ miệng” sang tay chân

    Sự cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà sản xuất tìm mọi cách lôi kéo lượng người xem về phía mình. Trước đây, các chương trình chủ yếu dựa vào tên tuổi của huấn luyện viên và những cuộc tranh cãi nảy lửa trên ghế nóng thì nay bắt đầu xuất hiện chiêu mới là mảng miếng... tay chân.

    Vietnam’s Next Top Model là chương trình tìm kiếm người mẫu tài năng luôn có rating ổn định. Ê-kíp thực hiện luôn biết tạo ra những hình ảnh “nóng” tại nhà chung để thu hút người xem. Nếu các mùa trước, những cuộc khẩu chiến khiến khán giả thích thú thì nay đã vượt quá quy chuẩn. Không ít lần người xem lắc đầu ngán ngẩm vì cách hành xử thiếu chuẩn mực, chợ búa của các thí sinh sống chung với nhau tại ngôi nhà chung trong thời gian tham gia cuộc thi.

    Có thể kể đến gần đây nhất là việc thí sinh Thùy Dương ném quyển sách vào mặt Nguyễn Hợp. Hành động này xuất phát từ việc thí sinh Nguyễn Hợp giành chiến thắng ở phần thi thử thách và trở thành thủ lĩnh mới của nhà chung. Cô chỉ đạo nhóm Cao Thiên Trang, Thùy Dương phải thu dọn đồ đạc ra khỏi phòng thủ lĩnh trong 3 tiếng để bàn giao cho thủ lĩnh mới. Hết thời gian, nhóm này vẫn ung dung ở phòng sinh hoạt khiến Nguyễn Hợp tức giận ném đồ đạc ra ngoài và Thùy Dương đáp trả bằng việc ném sách. Chưa dừng lại ở đó, các cô gái trong nhà chung còn thẳng tay hắt nước vào người nhau.

    Mặc dù hình ảnh ném sách vào mặt Nguyễn Hợp bị cắt khỏi nội dung chính thức phát sóng nhưng hành động thái quá này vẫn còn lưu ở phần giới thiệu nội dung. Như vậy, nhà đài đã tiết chế nội dung nhạy cảm khi lên sóng nhưng chiêu trò câu khách vẫn hiển hiện.

    Mới đây, trên mạng xã hội cũng xuất hiện tin đồn Hồng Xuân bị Nguyễn Hợp tát gãy mũi, phải phẫu thuật hết 25 triệu đồng. Tuy nhiên, những hình ảnh này đã bị cắt khỏi chương trình phát sóng. Mạng xã hội đồn đoán đây cũng chính là lý do Hồng Xuân bị loại khỏi chương trình. Chúng tôi đã cố gắng liên hệ với Hồng Xuân nhưng chưa nhận được phản hồi.

    Giải trí vẫn phải có văn hóa

    Ê-kíp truyền hình thực tế vẫn thường tạo ra các tình tiết điểm nhấn, tức là sự căng thẳng, buồn bã, cao trào,v.v. để thu hút khán giả. Các tình tiết này có thể được lên kịch bản trước nhưng cũng có thể là sự ghi nhận cảm xúc, hành động thực của những người tham gia. Chiêu trò là con dao hai lưỡi, nếu thực hiện tốt thì sẽ thu hút khán giả nhưng nếu quá đà sẽ tạo ra sự phản cảm. Qua thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều chương trình lạm dụng chất kịch để bù vào điểm yếu ở nội dung chuyên môn.

    Bà Lê Trang, Giám đốc sản xuất Vietnam’s Next Top Model cho biết, nhà sản xuất đã có cuộc triệu tập các thí sinh để trò chuyện về cách ứng xử. Theo bà, thí sinh tham gia chương trình năm nay đều là những người mẫu đã có tên tuổi nên ai cũng có cái tôi rất lớn. Việc thể hiện cái tôi trong nghệ thuật là cần thiết để tạo ra sự khác biệt, nhưng đó không phải là những ứng xử trẻ con, cạnh tranh bằng những lời xỉa xói hay đáp trả bằng tay chân. Bà cũng mong các thí sinh sẽ dẹp bỏ cái tôi để cạnh tranh với nhau bằng sự chuyên nghiệp về chuyên môn. Bà cũng bác bỏ thông tin thí sinh Hồng Xuân bị tát gãy mũi nên bị loại.

    Diễn viên Quyền Linh chia sẻ, kịch tính là yếu tố không thể thiếu của truyền hình thực tế. Các chương trình này mang tính giải trí nhưng phải phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục. Trong đó, nhà sản xuất và đài truyền hình phải kiểm duyệt tốt trước khi đưa đến khán giả vì họ có “quyền sinh quyền sát” nội dung. Riêng về những thí sinh tham gia chương trình cần khôn ngoan nhận ra giới hạn, mình có thể làm đến đâu.

    Thể hiện cá tính là tốt nhưng trong khuôn khổ, giới hạn. Nếu ai đó đang cố gắng tìm mọi cách để nổi bật vài phút trên sóng truyền hình thì cần nhận thức lại. Bởi, nghệ thuật là con đường dài. Truyền hình thực tế chỉ là những trò chơi, quan trọng nhất là khi bước ra ngoài thực tế. Nếu trong các trò chơi, bạn nổi bật bằng chiêu trò xấu thì sẽ là vết chàm trong mắt khán giả và rất khó gột rửa. Đối với những người làm nghệ thuật, sự yêu mến của khán giả là điều quan trọng nhất. “Nếu bạn bị khán giả quay lưng, chắc chắn không thể tồn tại với nghề”, Quyền Linh kết luận.

    Huy Cường

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 87

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truyen-hinh-thuc-te-tan-dung-mang-mieng-cho-bua-de-cuu-noi-dung-chuyen-mon-a196918.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan