+Aa-
    Zalo

    Truy tố cựu cảnh sát ngồi trong trại vẫn dọa giết nhân chứng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nguyên cán bộ phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Thái Nguyên bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ của một trùm ma tuý để bỏ qua hành vi che giấu tội phạm.

    (ĐSPL) - Theo cáo trạng của VKSND Tối cao vừa truy tố, Nguyễn Viết Hòa, nguyên cán bộ phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Thái Nguyên đã nhận tiền hối lộ của đối tượng Trần Văn Hưng, một trùm ma tuý để bỏ qua hành vi che giấu tội phạm của một đối tượng khác.

    Đến khi bị lộ, Hoà tìm mọi cách khống chế, đe dọa thủ tiêu nhân chứng để bịt đầu mối. Chưa hết, khi Hoà bị bắt tạm giam, nhưng vẫn liên lạc với một số thuộc hạ của mình, lên kế hoạch với mục đích lật lại đồng nghiệp bằng nhiều thủ đoạn nanh nọc như: Vu khống đồng nghiệp và chỉ đạo "tay chân" của mình làm sai lệch hồ sơ nhằm trốn tội.

    Không tha được chỉ có thể... làm sai lệch hồ sơ

    Theo nguồn tin từ VKSND Tối cao, ngày 15/1, VKSND Tối cao đã có cáo trạng truy tố Nguyễn Viết Hòa và đồng bọn phạm về các tội: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Đưa và làm môi giới hối lộ; Che giấu tội phạm; Cưỡng ép người khác, khai báo gian dối và vu khống. Sáu bị can gồm: Nguyễn Viết Hòa, Nguyễn Đức Chinh, cả hai đều là cán bộ thuộc phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh Thái Nguyên; Hoàng Văn Luân, Phạm Văn Chiến, cùng trú tại Hà Nội; Hà Huy Hoàng và Hồ Anh Lưu, trú tại TP.Thái Nguyên.

    Việc truy tố 6 bị can này liên quan đến đối tượng buôn bán ma túy, một tay "anh chị" tầm cỡ ở tỉnh Thái Nguyên là Trần Văn Hưng. Hưng là đối tượng bị truy tố về các tội Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, Mua bán trái phép chất ma túy...

    Đối tượng Trần Văn Hưng (ảnh do Cơ quan điều tra cung cấp).

    Trước đó ngay sau khi khởi tố vụ án và có kết luận điều tra báo Đời sống và Pháp luật đã có loạt bài viết vạch trần những hành vi phạm tội của các đối tượng này.

    Theo cáo trạng, ngày 19/6/2011, trong quá trình làm ăn, Trần Văn Hưng và Trần Đạo Thăng, cùng trú tại Thái Nguyên, do có mâu thuẫn nên Thăng cùng đồng bọn ẩu đả với Hưng. Hưng dùng súng K59 bắn vào Khánh (là đồng bọn của Thăng) rồi trốn truy nã. Sau những ngày lẩn trốn, Hưng sống như vợ chồng với Đinh Thị Thanh L. ở TP.Ninh Bình. Nguyễn Viết Hòa và Chinh được giao nhiệm vụ truy bắt Hưng. Sau khi có thông tin Hưng đang trú ẩn ở Ninh Bình, Hòa và Chinh đã phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình để xác minh. Do Nguyễn Huy Thắng (nguyên cán bộ Văn phòng Công an tỉnh Ninh Bình) là bạn học nên Hòa nhờ Thắng giúp đỡ.

    Chiều 19/3/2012, Hòa, Chinh và Thắng bắt được Hưng tại nhà ở của L.. Lúc này, Hưng đặt vấn đề chi 2,5 tỉ đồng "đi đêm" để khỏi bị bắt. Hòa nói việc bắt Hưng đã báo lãnh đạo nên không tha được, chỉ có thể làm sai lệch hồ sơ là cho ra đầu thú và làm thủ tục là bắt trên cầu vượt gần nhà L. để không ảnh hưởng đến L. nhưng với điều kiện Hưng vẫn phải chi 2,5 tỉ đồng. Sau khi mặc cả, ngã giá, Hòa chấp thuận lấy 2 tỉ đồng, rồi tiến hành lập biên bản bắt Hưng, xin chữ ký và đóng dấu tại Công an phường Thanh Bình, TP.Ninh Bình. Tuy nhiên, do lo sợ đến tính mạng, Đinh Thị Thanh L. đã làm đơn tố cáo Hoà tới Cơ quan điều tra (CQĐT).

    Sau khi Nguyễn Viết Hòa bị khởi tố, bắt tạm giam thì Thắng và Chinh đã khai nhận hành vi của mình, nhưng cả hai đều khẳng định việc Hòa lấy 2 tỉ đồng, cả hai đều không biết. Khi Hòa đưa cho Thắng 100 triệu đồng và Chinh 150 triệu đồng, cả hai cũng cho rằng không biết đấy là tiền của Hưng đưa?!

    Trong trại vẫn điều khiển được... "tay chân"?

    Trong một diễn biến khác, khi mọi chuyện vỡ lở Hoà đã dùng những thủ đoạn nhẫn tâm để vu khống và trấn áp đồng nghiệp, đồng thời lên kế hoạch đe dọa thủ tiêu nhân chứng nhằm bịt đầu mối. Cụ thể, L. khai, từ khi Trần Văn Hưng bị bắt, có nhiều cuộc điện thoại gọi đến với nội dung đe dọa tính mạng của L. và con trai, nếu khai ra việc Hòa nhận tiền của Hưng. Quá lo sợ nên L. đã làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng. Trong khi Nguyễn Viết Hoà bị bắt giam, nhiều lần Hòa đã gửi thư ra ngoài để nhờ các "tay chân" của mình, trong đó có Phạm Văn Chiến. Chiến bàn cách chống đối CQĐT, tìm cách đặt mìn tại nhà riêng của điều tra viên, người trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ án. Bên cạnh đó, Chiến còn tìm cách đe dọa L. để L. khai lại theo hướng có lợi cho Hòa, nếu không sẽ bị thủ tiêu.

    Mặt khác, Hòa cũng viết thư ra ngoài chỉ đạo Chinh, Lưu, Hoàng, phải tìm mọi cách bí mật bắt cóc L.; bắt L. phải viết đơn tố cáo bị điều tra viên bức cung, nhục hình và cho thông cung với Hưng để vu khống làm oan cho Hòa. Nếu L. chấp nhận sẽ sao thành nhiều bản, sau đó mang lên cửa khẩu ở Lạng Sơn hoặc Quảng Ninh, gửi cho các cơ quan chức năng, đồng thời tung tin, do điều tra viên đe dọa nên L. đã trốn sang Trung Quốc. Mặt khác, Hòa cũng "chỉ đạo" rằng, nếu L. không chấp thuận thì sẽ thủ tiêu L. để bịt đầu mối.

    Do lo sợ, các đối tượng vẫn phải làm theo đúng kế hoạch, giả danh L. để làm đơn tố cáo bị CQĐT bức cung, nhục hình dẫn đến việc Hòa bị "oan".

    Những cánh tay nối dài của trùm ma tuý

    Cũng theo CQĐT, trong thời gian trốn nã, Trần Văn Hưng đã tìm đến Luân để nhờ giải quyết việc Hưng đánh nhau với Trần Đạo Thăng. Chưa hết, Hưng liên tiếp nhờ người chuyển cho Ma Khánh L. (là điều tra viên phòng Cảnh sát tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Thái Nguyên) 250 triệu đồng giúp đỡ Hưng ra kết luận... "không phạm tội trong vụ đánh nhau với Thăng". Dư luận đặt câu hỏi, liệu còn bao nhiêu cán bộ tha hoá, kém bản lĩnh bị Hưng mua chuộc bằng tiền?!

    Thể hiện sự kiên quyết của Nhà nước trong đấu tranh tội phạm

    Liên quan tới vụ án trên, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Xuân Anh, đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang. Theo luật sư Xuân Anh, CQĐT cần đẩy mạnh phong trào quần chúng trong tố giác tội phạm nói chung, đặc biệt là tội tham nhũng, đưa và nhận hối lộ. Chống tội phạm có hai vấn đề: Thứ nhất, người thi hành nhiệm vụ phải chấp hành những quy định pháp luật và cần có sự đồng thuận của toàn xã hội, chung sức, đồng lòng trong đấu tranh tố giác tội phạm. Động viên khích lệ hành vi dũng cảm của những người đã đứng ra tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức Nhà nước, đặc biệt là công an. Bởi lẽ công an là người thay mặt Nhà nước thực thi việc bảo vệ trật tự xã hội, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân.

    Luật sư Phạm Xuân Anh.

    Thứ hai, cần có một chế tài động viên khen thưởng, bảo vệ người dám đứng ra tố cáo. Cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào.

    Sự việc nêu trên là một tín hiệu buồn, nhưng đã cho thấy sự kiên quyết trong đấu tranh ngăn ngừa, phòng và chống tội phạm của Đảng và Nhà nước.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truy-to-cuu-canh-sat-ngoi-trong-trai-van-doa-giet-nhan-chung-a80323.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan