Từ việc truy tố bác sĩ Lương, các cán bộ y tế băn khoăn: Nếu tai biến xảy ra, bác sĩ phải đi tù thì ai còn dám chữa bệnh và sẽ rơi vào tình trạng “né” và người bệnh luôn là thiệt thòi nhất.
Thay đổi có trạng: BS Lương có thể bị án treo
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hoà Bình vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can, trong đó có bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương, liên quan tới vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình tháng 5/2017.
Các bị can bị truy tố về các tội "Vô ý làm chết người" và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Dù trước đó, sau 13 ngày tạm giam, chiều ngày 5/7/2017, Viện trưởng VKSND tỉnh đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Hoàng Công Lương. Theo đó, bác sĩ Lương được thả.
Nạn nhân trong vụ chạy thận tại Hòa Bình |
Nhưng với việc khởi tố này, thông tin truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương – đơn vị chạy thận nhân tạo, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình liên quan tới sự cố tai biến y khoa tháng 5/2017 khiến 8 bệnh nhân tử vong lại một lần nữa khiến “ngành y dậy sóng”.
Các bác sĩ đều cho rằng việc truy tố bác sĩ Lương khiến nhiều bác sĩ lo lắng về công việc chữa bệnh cứu người của mình. Nếu tai biến xảy ra, bác sĩ phải đi tù thì ai còn dám chữa bệnh và sẽ rơi vào tình trạng “né” và người bệnh luôn là thiệt thòi nhất.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng thì cho rằng việc Viện KSND tỉnh Hòa Bình hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. Tuy đã thay đổi tội danh theo hướng nhẹ hơn là từ "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh" sang “Vô ý làm chết người” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Bs Lương có thể được tòa cho hưởng án treo. Nhưng việc VKS vẫn quyết tâm kết tội trong trường hợp này là hết sức khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
Theo cáo trạng và thực tế, trong quy trình chạy thận và dẫn đến tai biến là do người cung cấp, quản lý và bảo trì thực hiện. Trước khi bác sĩ ký y lệnh, ở bệnh viện phải qua 3 người giám sát, kiểm tra và bàn giao và chỉ 1 trong 3 người này bị truy tố. Cho thấy trách nhiệm chính thuộc về 3 người này. Quy trình cũng không buộc bác sĩ phải kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước trước khi ra Y lệnh. Vì lẽ đó, vẫn truy cứu bác sĩ Lương là chưa có căn cứ vững chắc.
Tai biến Y khoa xảy ra là điều không ai mong muốn. Người bệnh cũng luôn trong tâm thế chấp nhận điều đó. Cứ có tai biến là truy cứu bác sĩ mà không chứng minh được các bác sĩ có tắc trách, làm trái quy trình. Điều đó sẽ khiến các bác sĩ chùn tay khi chữa bệnh. Đặc biệt là với các ca cấp cứu.
“Mục đích của hình phạt là để giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Trong vụ án này, nếu kết tội bác sĩ Lương sẽ không đạt được mục đích đó, thậm chí còn có tác dụng ngược vì sự chùn tay của các bác sĩ trước thiên chức cứu người” – luật sư Hưng nói.
Các chuyên gia y tế đau xót
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường Đại học Y dược TP.HCM, Chủ tịch hội Tĩnh mạch học TP.HCM việc truy tố bác sĩ Lương ở góc độ tình cảm đồng nghiệp ai cũng xót xa nhưng trên pháp luật thì nên thượng tôn.
PGS Nguyễn Hoài Nam cho biết khi đọc thông tin bác sĩ Lương bị khởi tố ông cũng xót xa nhất ở cái tình đồng nghiệp trong ngành y. Ông hiểu y bác sĩ vất vả như nào nhất là những nơi “đầu song ngọn gió” như hồi sức tích cực.
BS Hoàng Công Lương |
PGS Nam đã lần dở các quy định của pháp luật về luật khám chữa bệnh cũng như các quy định khác thì ông lại thấy ở góc độ pháp luật thì cũng nên thượng tôn pháp luật.
Bác sĩ Lương là người có trách nhiệm ở khoa và được giao nhiệm vụ, được hưởng lương bác sĩ thì vẫn phải có trách nhiệm trong công việc và việc xảy ra tai biến không ai mong muốn “nhưng vẫn cần một người chịu trách nhiệm” và người đó là BS Lương cũng không phải lạ.
Có thể, khi ra tòa, giám đốc bệnh viện, trưởng khoa cũng như các người liên đới không thể khỏi liên quan nhưng ở góc độ nào thì vẫn phải có một người chịu trách nhiệm và các nhà làm luật sẽ có cái nhìn hợp tình, hợp lý để các bác sĩ cảm thấy không sốc cũng như bác sĩ Lương.
Bác sĩ Nam thẳng thắn “có thể ý kiến của tôi nhiều người không đồng ý nhưng ở trên tinh thần làm việc với trách nhiệm và quy định của pháp luật, tôi vẫn nói ý kiến cá nhân của mình”. Các bác sĩ vẫn cần phải đúng nguyên tắc và bác sĩ Lương sẽ trở thành tấm gương cho các bác sĩ khác trước khi ký bút thực hiện 1 y lệnh.
Trước đó, khi bác sĩ Lương bị bắt nhiều bác sĩ đầu ngành như ông Nguyễn Thanh Liêm - chuyên gia đầu ngành ngoại nhi, ông Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội, viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, ông Nguyễn Gia Bình - chủ tịch Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc… đều có ý kiến về vụ việc này.
Ông Nguyễn Gia Bình đã đại diện Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế và giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, trong đó có cho rằng sai sót của bác sĩ Lương là sai sót về hành chính.
Còn ông Nguyễn Thanh Liêm, chuyên gia đầu ngành về ngoại nhi đề nghị các cấp có cái nhìn thấu tình đạt lý trong việc xử lý bác sĩ Lương, để không ảnh hưởng đến tinh thần nhiệt huyết của nhiều cán bộ y tế.
Theo quan điểm của ông Liêm, bác sĩ Lương có lỗi nhưng không nhất thiết phải bắt giam, việc bắt giam bác sĩ Lương đang gây một hiệu ứng tiêu cực, nhiều bác sĩ bị sốc nặng.
Phương Thúy (T/h)