Chỉ sau 1 đêm, 8 chiếc ôtô của người dân tại TP Đà Nẵng đã bị kẻ xấu dùng gạch đá đập phá gây hư hỏng nặng.
Theo thông tin đăng tải trên báo Trí thức trẻ, ngày 21/5, Công an quận Hải Châu và quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) xác nhận, đang tiến hành xác minh làm rõ vụ việc nhiều người dân trên địa bàn trình báo xe ô tô của mình bị kẻ xấu đập phá.
Lực lượng công an lập biên bản vụ việc - Ảnh: báo Trí thức trẻ |
Báo Gia Đình & Xã hội đưa tin, sáng cùng ngày (21/5), nhiều người dân ngủ dậy thì hốt hoảng khi thấy xe ô tô của mình đang đỗ trên đoạn đường Nguyễn Tất Thành đã bị kẻ xấu đập phá.
Chị Đặng Thị Dung, chủ xe ô tô mang BKS: 43A 15750 cho biết, đêm qua chị đậu xe của mình tại đường Nguyễn Tất Thành. Sáng nay khi ra lấy xe để đi công việc thì chị tá khi thấy chiếc xe của mình đã bị đập nát kính chắn gió phía sau.
Điều đáng nói, không chỉ xe của chị Dung, mà nhiều ô tô khác trên đoạn đường từ Nguyễn Tất Thành cũng đã bị đập phá như vậy.
Theo ghi nhận, tại hiện trường, hầu hết các xe ô tô này đều bị đập phá kính chắn gió trước và sau. Ước tính thiệt hại hàng chục triệu đồng cho mỗi chiếc xe.
Hình ảnh từ camera tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Tất Thành ghi lại, một nhóm khoảng 9 thanh niên đi trên 5 chiếc xe máy đã dùng gạch đá ném vào các ô tô ven đường này. Trưa cùng ngày, lực lượng công an đã đến hiện trường để lập biên bản vụ việc.
Có ít nhất 8 chiếc xe ô tô bị kẻ xấu dùng gạch đá đập phá, gây hư hại.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009: 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Có tổ chức; B) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; C) Gây hậu quả nghiêm trọng; D) Để che giấu tội phạm khác; Đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; E) Tái phạm nguy hiểm; G) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: A) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp