Người đàn ông lạ mặt đến nhà nghỉ Việt Thanh (Phú Quốc) để trả chìa khóa phòng rồi bất ngờ rút dao chém ông chủ.
Báo Công an nhân dân dẫn nguồn tin từ Công an huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), chiều 11/6, đơn vị đang điều tra làm rõ vụ ông Phạm Văn Sỹ, chủ nhà nghỉ Việt Thanh (Khu phố 7, thị trấn Dương Đông) bị đối tượng lạ mặt dùng dao chém vào sáng cùng ngày.
Theo trình bày của ông Sỹ, chiều 10/6, có đôi nam nữ đi xe máy biển số Cần Thơ đến thuê phòng 34. Họ gửi lễ tân giấy chứng minh nhân dân (CMND) của người nam 24 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ nhà nghỉ bị đối tượng mặc áo khoác đen vung dao chém - Ảnh: báo Công an nhân dân |
Đến 7h20, ngày 11/6, có 2 nam thanh niên đi xe mô tô Yamaha Sirius đến trước nhà nghỉ Việt Thanh, một người mặc áo khoác đen cầm chìa khóa phòng 34 đi vào kêu trả phòng và đòi lại giấy tờ. Nhân viên lễ tân đề nghị thanh niên này thanh toán tiền phòng rồi mới trả CMND. Tuy nhiên, đối tượng trả lời: “Khách hôm qua ở phòng này thuê xe máy của tôi đã làm mất xe, cho tôi vào phòng xem”. Ông Sỹ đang có mặt ở quầy lễ tân trả lời: “Em không phải khách ở đây nên không thể vào phòng”.
Khi nghe ông Sỹ nói vậy, đối tượng nhìn trước nhìn sau, rồi thò tay vào áo khoác. Nghi ngờ thanh niên này có biểu hiện bất minh, ông Sỹ ra đóng cửa thì bị đối tượng vung dao chém vào tay trái.
Thấy người trong nhà nghỉ chạy ra tiếp ứng, đối tượng bỏ lại 1 dao phay dài 40cm, rồi lên xe đồng bọn tẩu thoát.
Đối tượng bỏ lại con dao phay rồi tẩu thoát - Ảnh: báo Công an nhân dân |
Liên quan đến nhà nghỉ Việt Thanh, báo Tri thức trực tuyến thông tin thêm, hai tháng trước tại khu vực lễ tân cũng đã xảy ra vụ rút súng gây xôn xao dư luận.
Ông Sỹ sau đó nộp đơn lên TAND huyện Phú Quốc để kiện người ký quyết định xử phạt hành chính là đại tá Nguyễn Thanh Nhanh. Chủ nhà nghỉ cho rằng ông không có hành vi "xâm hại sức khỏe người khác" như Công an Phú Quốc cáo buộc.
Điều 104. Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: A) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; B) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; C) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; D) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; E) Có tổ chức; G) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; H) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; I) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; K) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp