Cụ thể, Bộ Công an truy thăng quân hàm Thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi) lên Trung tá; truy thăng quân hàm cho Thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi) lên Đại úy; truy thăng quân hàm cho Thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) lên Đại úy.
Quyết định truy thăng quân hàm được Bộ Công an ban hành một ngày sau khi 3 chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc.
Trước sự hy sinh của 3 chiến sĩ CSGT, theo Tuổi trẻ, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an Lâm Đồng bày tỏ, mọi việc diễn ra quá nhanh. Theo Đại tá Đương, sáng 30/7, ông còn gặp động viên các chiến sĩ khi họ vừa giải phóng xong điểm sạt lở, rồi lo điều phối giao thông trước chốt đèo Bảo Lộc.
Người đứng đầu Công an tỉnh Lâm Đồng đề nghị các bộ, ban, ngành báo cáo để phong liệt sỹ cho 3 CSGT đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhằm ghi nhận công trạng của các chiến sĩ.
Theo VietnamNet, tại cuộc họp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Lâm Đồng phải quan tâm chính sách hậu phương với những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh. Từ đó, có những đề xuất lên cơ quan cấp trên nhằm đảm bảo thỏa đáng quyền lợi cho người có công.
Sau khi khảo sát hiện trường vụ sạt lở, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm gia đình và thắp nhang cho Đại úy Lê Ánh Sáng.
XEM THÊM: Thủ tướng chỉ đạo nóng sau vụ sạt lở làm 4 người bị vùi lấp ở Lâm Đồng
Trước đó, khoảng 14h ngày 30/7, sau trận mưa kéo dài khiến nhiều vị trí trên đèo Bảo Lộc bị sạt lở.
Nhận thông tin khu vực chốt Bảo Lộc có hiện tượng sạt lở, 3 CSGT thuộc trạm CSGT Madaguoi đang tuần tra đã đến chốt cùng người dân di dời đồ đạc. Lúc này, khối đất đá trên cao đổ sạt xuống, vùi cả 3 chiến sĩ và 1 người dân đang hỗ trợ di dời phương tiện, trang thiết bị gần đó.
Sau sự cố, tỉnh Lâm Đồng huy động hơn 200 lực lượng, cùng hàng chục máy móc tới hiện trường tìm kiếm. 3 CSGT lần lượt được tìm thấy vào đêm 30/7, đã tử vong. Còn thi thể người dân tới trưa 31/7, cũng được tìm thấy.
Việt Hương (T/h)