Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa có quyết định truy nã đối với Bùi Nguyên Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Phát.
Ngày 3/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) ra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Nguyên Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Phát về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo thông tin từ Bộ Công an, Khánh liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Phát, Ngân hàng TMCP Sài gòn – Hà Nội (Chi nhánh Vĩnh Phúc) và các đơn vị có liên quan.
Quyết định truy nã đối với Bùi Nguyên Khánh - Ảnh: báo Chính Phủ |
Sau khi vào cuộc điều tra, ngày 17/1, C46 đã ra quyết khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với đối tượng Bùi Nguyên Khánh để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Xác định Bùi Nguyên Khánh đã bỏ trốn, ngày 24/1, C46 ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Phát.
Nhân thân, đặc điểm nhận dạng của Bùi Nguyên Khánh được cơ quan điều tra Bộ Công an thông tin cụ thể như sau:
Đối tượng: Bùi Nguyên Khánh sinh ngày 16/8/1982 tại Hà Nội (giới tính Nam).
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Số 53 Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chỗ ở trước khi bỏ trốn của đối tượng: Số 12 Đỗ Ngọc Du, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nghề nghiệp: Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Xuân Phát.
Đặc điểm nhận dạng: Cao 1,75m; da vàng; tóc đen; lông mày ngang; sống mũi thẳng; dái tai chúc; mắt đen; có sẹo cong 0,5cm dưới đuôi lông mày trái.
Bộ Công an cũng thông báo, khi phát hiện hoặc bắt được Khánh, người dân báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (gặp đồng chí Đinh Quốc Thiện) theo số điện thoại 069232258 hoặc 0912397689.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |