Trong lúc đứng cãi nhau giữa đường, anh Kiệt đã bị đối phương rút súng bắn chết ngay tại chỗ.
Báo VnExpress đưa tin, chiều 30/5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đang truy bắt nghi can dùng súng bắn chết người do cãi vã xảy ra vào trưa cùng ngày.
Nạn nhân là anh Nguyễn Tuấn Kiệt (39 tuổi).
Theo cơ quan công an, vào 10h cùng ngày, anh Kiệt đứng trên đường cạnh ngôi đình làng ở xã Phú An, thị xã Bến Cát, Bình Dương nói chuyện với người đàn ông.
Ảnh minh họa. |
Một lúc, hai bên xảy ra cãi vã, bất ngờ người đàn ông rút súng ngắn bắn anh Kiệt gục chết tại chỗ. Sau đó, hung thủ nhanh chóng lên xe máy tẩu thoát.
Ngay sau khi nhận tin báo, Cảnh sát có mặt phong tỏa hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng để phục vụ công tác điều tra.
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, được biết, anh Kiệt hiện đang công tác tại Khu di tích lịch sử địa đạo Tam Giác Sắt tại xã Phú An, thị xã Bến Cát.
Theo điều tra, Công an cho biết, nguyên nhân được cho là có liên quan đến vụ tranh chấp đất đai. Anh Kiệt cùng với một số công nhân xây hàng rào trên khu đất của nhà mình tại xã An Phú, TX Bến Cát thì nghi phạm đến ngăn cản không cho xây dựng dẫn đến mâu thuẫn.
Lãnh đạo Công an Bình Dương cho biết đã xác định nghi can và đang truy bắt.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)