Những ngày qua, câu chuyện về cụ bà Võ Thị Bài (104 tuổi) ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) mưu trí một mình tóm gọn tên cướp hung hãn khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc. Trở về xã Lâm San tìm gặp “người nổi tiếng”, chúng tôi mới hiểu vì sao chuyện khó tin trên xảy ra. Dù đã 104 tuổi, cụ Bài vẫn quần quật làm việc nặng, gần như không đau ốm. Khó tin hơn, bí quyết trường xuân của cụ bà tuổi bách niên này chính là việc đều đặn uống mỗi ngày 3 ly nước tiểu hỗn hợp.
Cụ Bài trò chuyện với PV. |
Nhà cụ Võ Thị Bài nằm ở cuối ấp 6, xã Lâm San với con đường dẫn vào rợp bóng cà phê, hồ tiêu xanh mướt. Trên đường dẫn người viết đến nhà cụ, anh cán bộ an ninh ấp không giấu nổi sự khâm phục: “Nói cụ già đã 104 tuổi mà bắt được tên cướp mới 20 tuổi thì ít ai tin. Ban đầu, tôi cũng bán tín bán nghi, nhưng khi nghe tên cướp thú tội và lời kể của cụ bà thì không những tôi mà các cán bộ an ninh khác đều kinh ngạc”.
Hơn trăm tuổi đập hàng tạ cà phê Bà Đỗ Thị Lý (68 tuổi, con gái cụ Bài) cho biết: “Cách đây 2 năm, mỗi ngày mẹ tôi vẫn đập hàng tạ quả cà phê cành, một mình cuộn, vác tấm bạt nặng gần trăm ký từ rẫy vào nhà dễ dàng. Gần đây do bị thoái hóa xương sống, con cháu không cho làm việc nặng nữa, cụ chuyển sang làm hồ tiêu, mỗi ngày sàng mấy chục ký. Không những thế, nhà cửa, chăn, gối đều do một mình cụ dọn dẹp, may vá. Lúc rỗi, cụ thường đến tiệm may xin vải vụn về, tự xỏ kim may gối, đệm, chổi lau nhà rồi đem phân phát cho mọi người. Không cho cụ làm, cụ bảo mệt chỉ ăn được một muỗng cơm nhỏ, tinh thần ỉu xìu. Chế độ ăn uống của cụ ngoài mỗi ngày 3 ly nước tiểu hỗn hợp còn lại không có gì đặc biệt”. |
Sau khi Tú bỏ đi, cụ Bài thiếp đi cho đến lúc có cảm giác nghẹt thở. Mở mắt ra, cụ phát hiện mình bị một người lạ trùm chăn, dùng tay, chân đè chặt trên người. “Hoảng quá, tôi vùng vẫy thì bất ngờ nó thò vào giật túi tiền bên hông. Biết là bị cướp, tôi cố lôi chăn xuống thì nhận ra thằng Tú. Vừa thấy nó cầm cuộn tiền định chạy, tôi vội quờ tay ôm lấy chân nó. Để thoát thân, nó quay lại đánh đấm tôi túi bụi. Nhưng tiếc bọc tiền, tôi cứ giữ chân, mặc nó lôi xềnh xệch ra đến gần con đường lớn trước nhà. May sao lúc đó, con gái tôi phát hiện và tri hô mọi người bắt giữ tên cướp”, cụ nhớ lại.
Đối tượng Tú sau đó bị người dân vây bắt nộp cho công an xã. Tại đây, thấy công an không thu được vật chứng, cũng không tìm ra bọc tiền bị mất, Tú một mực kêu oan. Hắn cho biết “chỉ đến chơi nhưng bị cụ Bài bắt nhầm, sợ mang tiếng không hay nên mới bỏ chạy”. Nghe lời khai có lý, cán bộ xã còn nghĩ cụ Bài lớn tuổi nên lú lẫn, tiền để một nơi nhưng nhớ một nẻo nên quyết định quay lại hiện trường lấy thêm thông tin.
Cũng như lần trước, cụ Bài kể vanh vách toàn bộ sự việc rồi khẳng định, chính Tú đã giật bọc tiền ném ra cửa sổ. Với chi tiết này, các cán bộ đã tìm ra vật chứng kẹt trong đống rác sát cửa sổ. Đến đây, tên làm công gian xảo mới thú nhận, trong lúc luống cuống, đối tượng ném bọc tiền để tính sau khi chạy thoát thì vòng ra lấy sau. Đối tượng nhanh chóng bị công an bắt. “Tôi thấy rõ ràng, cũng nhớ rõ lắm, làm sao nhầm được. Nhưng nó hung hãn quá, đánh đấm túi bụi vào mắt tôi. Mấy hôm nay, tôi chẳng thấy đường xỏ kim may vá, buồn chết đi được”, cụ Bài cho biết.
Câu chuyện bắt cướp dần “nguội” đi theo lời kể hóm hỉnh của cụ Bài. Chúng tôi chuyển sang đề tài sức khỏe. Ở xã, ai cũng biết hiện nay cụ Bài vẫn thường xuyên cuốc đất, làm cỏ, hái cà phê, hồ tiêu… thậm chí có thể khuân vác nặng. Hỏi về bí quyết duy trì sức khỏe và tinh thần “vượt thời gian”, cụ cười đáp: “Có gì đâu, người ta ăn gì mình ăn nấy, không tham, không giận, không si mê… để được an nhàn. Nhưng có điều này nói ra hơi ngại, đó là do tôi uống nước tiểu từ thời con gái tới giờ. Chẳng biết có phải thế mà tôi sống lâu hơn hay không”.
Cụ Bài kể sinh ra trong một gia đình nghèo, có tới 11 anh chị em. Mới 7 tuổi, cụ đã mồ côi cha mẹ, phải sống nương nhờ họ hàng, quanh năm sống trong đói khát. Khi trở thành thiếu nữ, người cụ gầy nhẳng như cây sậy, đụng công việc là mệt lả. Thế mà từ khi lấy chồng, mẹ chồng ép cụ uống nước tiểu. Chẳng hiểu sao, từ khi uống thứ nước phế thải này, cụ như “lột xác”, béo trắng, khỏe mạnh. “Năm 17 tuổi, tôi về nhà chồng, một năm sau thì sinh đứa con đầu lòng. Mọi người cứ tặc lưỡi: “Người ngợm thế này thì làm sao đủ sức khỏe mà nuôi con, mà làm việc”, nhưng mẹ chồng tôi cười bảo: “Chuyện đó không phải lo”“.
Cụ Bài và con gái Đỗ Thị Lý |
Đến giờ, cụ Bài vẫn không thể quên cái buổi sáng kỳ cục nhất đời mình. “Hôm đó, mẹ chồng đưa tới một ly nước và bảo là thuốc bổ. Vừa nhấp đầu lưỡi, tôi đã muốn ói vì “thuốc” có vị khai, hắc và mặn rất khó chịu. Chỉ vì sợ mẹ chồng, tôi phải nhắm mắt nhắm mũi uống cạn. Thấy con dâu uống xong, mẹ chồng tôi vô tư nói: “Nước tiểu trộn với một ít bột nghệ và một chút muối thì chẳng lo hậu sản hay bệnh tật gì”. Nghe thế, tôi sởn cả da gà”, cụ Bài nhớ lại.
Theo lời khuyên của mẹ chồng, mỗi ngày cụ Bài phải uống ba lần, mỗi lần 1 ly. Cứ thế, qua 3 tháng đầu thì cảm giác buồn nôn không còn. Một điều lạ là ngày nào ngưng uống, cụ lại thấy cơ thể mệt mỏi, ăn gì cũng nhạt miệng. Ban đầu, cụ Bài còn nghĩ mình bị bệnh, nhưng lại không triệu chứng cảm cúm, chỉ thấy cảm giác thèm thèm.
Ngày hôm sau, cụ duy trì lại việc uống “thuốc” thì cảm giác mệt mỏi cũng tan biến, ăn uống ngon miệng trở lại. Cụ Bài cho biết, từ ngày uống “thuốc” đến nay, sức khỏe cụ tốt lên trong thấy. Từ một cô gái cân nặng chỉ 40 kg, sau vài năm uống “thần dược” cụ đã cân nặng tới 70 kg, sống qua hai thế kỷ mà chưa phải đi bệnh viện.
Cụ bảo, lần duy nhất phải vào viện cách đây 2 tháng do thoái hóa xương sống, nhưng siêu âm tất cả các bộ phận cơ thể khác đều tốt. Bác sĩ khám còn ngạc nhiên vì ở tuổi bách niên mà da cụ vẫn hồng hào, ít nhăn và không bị đồi mồi. Cụ Bài vui vẻ kể tiếp: “Có thời điểm, mỗi bữa tôi có thể ăn hết cả nồi cơm to mới no, nhưng do không có điều kiện nên phải ăn thêm măng, rau cho đầy bụng. Suốt hàng chục năm làm nông, tôi chỉ lo trời tối, lo hết giờ chứ không lo mệt hay bệnh tật”.