(ĐSPL) - Đã 2 lần trường Tiểu học Phú Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vinh dự đạt danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia, thế nhưng chỉ vì thiếu quá nhiều phòng học và cơ sở vật chất, thầy trò nơi đây đành phải mượn nhà văn hóa thôn để dạy và học. Sự việc này đã diễn ra trong 5 năm trở lại đây.
Cũng là cô trò của trường Tiểu hộc Phú Định nhưng lớp 2A do cô Nguyễn Thị Lệ chủ nhiệm lại được “ưu ái” học ở nhà văn hóa thôn 6 của xã. Sau mỗi lần chào cờ đầu tuần, cô trò lớp 2A lại cùng đi bộ hơn 1km từ trường về nhà văn hóa thôn để tiếp tục việc dạy và học.
Tin tức cho biết, để ổn định lớp học cô và trò lớp 2A đã phải đi từ rất sớm nhưng lại rời lớp muộn hơn so với những học sinh cùng trường. Nhiều khi thôn có sự kiện tổ chức tại nhà văn hóa, các cô trò lại phải chờ đợi hoặc buộc phải nghỉ học.
Nếu cô giáo nắm được lịch làm việc của thôn thì thông báo cho học sinh nghỉ học từ đầu buổi nhưng nhiều khi đột xuất, cô trò lại cùng nhau ra hành lang ngồi chờ. Đã thế, các hoạt động ngoại khóa chung với trường thì hầu như lớp không được tham gia.
Thiếu phòng học, cô và trò lớp 2A phải mượn nhà văn hóa thôn để làm lớp học. |
Chia sẻ về sự bất tiện của lớp học này, cô Lệ trăn trở: “Các em học sinh phải học ở đây bị thiệt thòi rất nhiều. Vì là học nhờ nên mỗi lần thôn cần họp dân, cô trò đành phải nghỉ học để trả cho họ. Sau đó, các thầy cô lại phải sắp xếp dạy bù vào ngày thứ 7, Chủ nhật để đủ kiến thức, đủ tiết học cho các em”.
Một học sinh lớp 2A chia sẻ: “Em cũng như nhiều bạn trong lớp cũng muốn về học trường chính để cho vui mà lại đỡ phải đi xa khi chào cờ đầu tuần. Học riêng thế này làm cho chúng em cứ có cảm giác giống học sinh cá biệt ấy”.
Trao đổi vấn đề này, thầy Nguyễn Trung Khánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Định cho biết: “Do nhà trường có 10 lớp nhưng chỉ có 6 phòng học nên phải mượn nhà văn hóa thôn để thầy trò dạy học. Mới đầu, nhà trường mượn 2 phòng tại hợp tác xã cũ của xã Phú Định để làm 2 lớp học. Nhưng sau 3 năm sử dụng, do căn nhà này bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn nên nhà trường lại phải tìm phương án khác.
Trong khi đó, nhà trường cũng đã đem 3 phòng chức năng làm thành 3 phòng học, nhưng vẫn thiếu, thành ra phải mượn thêm nhà văn hóa thôn thì mới đủ phòng học cho các em”.
“Vẫn biết nhà văn hóa thôn có phần rộng rãi nhưng do thiết kế không phù hợp với mô hình lớp học nên các em gặp rất nhiều khó khăn khi học bài. Hơn nữa, địa điểm nhà văn hóa cách trường đến 1km khiến lớp học này dường như bị tách biệt. Chính vì thế, để công bằng, mỗi kỳ học nhà trường lại phải đổi một lớp đến học tại nhà văn hóa”, thầy Khánh cho biết thêm.
Cô và trò lớp 2A trong giờ hoạt động ngoại khóa tại khuôn viên của nhà văn hóa thôn. |
Được biết, trường Tiểu học Phú Định được thành lập từ năm 1995 sau khi tách ra từ trường phổ thông cơ sở. Đến năm 2003, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và tiếp tục danh hiệu này vào năm 2009. Tuy nhiên, đến năm 2014 qua đợt kiểm tra, rà soát, thẩm định lại để xem xét các trường đạt chuẩn có đủ điều kiện được công nhận lại hoặc đạt ở mức độ cao hơn hay không thì trường lại bị rớt.
Giải thích về vấn đề này thầy Khánh cho hay: “Trường không đạt chuẩn được vì thiếu cơ sở vật chất thôi. Hiện nay, trường có 10 lớp học với 235 em học sinh nhưng cũng chỉ có 6 phòng học. Theo quy định để đạt chuẩn Quốc gia, hiện trường Tiểu học Phú Định còn thiếu 10 phòng, trong đó có 4 phòng học và 6 phòng chức năng”.
Theo ghi nhận của PV, tại trường Tiểu học Phú Định có 3 phòng chức năng: Một phòng dành cho cả hiệu trưởng và phó hiệu trưởng; một phòng cho cả phòng đội, kế toán, y tế và một phòng tin học nhưng giờ 2 phòng đã được sửa lại thành phòng học.
Một cô giáo dạy trong trường chia sẻ: “Phòng chức năng thì không đủ, mà giáo viên ở đây chủ yếu từ nơi xa đến nên nhiều khi các thầy cô muốn có chỗ ngồi nghỉ cũng không có. Nhưng vì thiếu phòng học nên 3 phòng chức năng này được lãnh đạo nhà trường dồn lại một phòng và dành 2 phòng còn lại để cho các em học sinh học.
Trong khi đó, do phòng chức năng thiết kế khác biệt nên mỗi lớp có từ 23-24 học sinh thì các em phải ngồi học rất chật chội. Giờ các thầy cô chỉ mong sao có thêm 8 phòng để đáp ứng cơ sở vật chất về học tập cho học sinh chứ chưa mong có đủ phòng chức năng".
Nhà văn hóa thôn cách trường 1km khiến lớp học như bị tách biệt. |
Thầy Khánh cho biết thêm: “Đạt chuẩn thì càng tốt nhưng nếu không đạt chuẩn thì chúng tôi cũng chỉ mong là có thể xây đủ phòng học cho các em học sinh, để các em không phải chịu cảnh học trong điều kiện chật chội, xa xôi và tách biệt như thế nữa thôi. Chúng tôi đã từng huy động nhiều nguồn vốn nhưng xem ra khó khăn quá vì thực trạng này diễn ra cũng 5 năm rồi mà chưa có phương án nào khả thi giúp chúng tôi cả”.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định, ông Hội cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có ba điểm trường là Mầm non, Tiểu học và THCS. Không chỉ trường Tiểu học mà trường Mầm non cũng đang thiếu thốn nhiều. Tuy nhiên, riêng trường Tiểu học thì có một lớp đang phải mượn nhà văn hóa thôn để học".
"Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình lên các cấp nhưng chưa được giải quyết. Đợt vừa rồi, chúng tôi trình lên huyện thì được hỗ trợ một ít những chỉ đủ để xây dựng nhà chức năng cho trường Mầm non. Nhiều năm qua, nghe ở đâu có đoàn hay tổ chức gì tôi đều liên hệ để xin được hỗ trợ. Có nhiều đoàn cũng đã đến trường khảo sát nhưng chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ từ đoàn nào.
Trường Tiểu học Phú Định trước đây từng 2 lần được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nhưng bây giờ chúng tôi không mong là sẽ được công nhận lại, mà chỉ mong sao có đủ cơ sở vật chất cho các cháu học tập”, ông Hội nói.
Xuân Hương
[mecloud]TALbxIjENm[/mecloud]