Trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật về vấn đề trên, Luật sư Vũ Quang Bá – Công ty luật TNHH AB & Cộng sự, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, hiện nay theo quy định luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), với hành vi vi phạm pháp luật mà bị xử lý vi phạm hành chính, ngoài hình phạt chính người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung.
Với hành vi mua dâm tại Điều 24, Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định rõ, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền và hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính.
Với hành vi bán dâm tại Điều 25, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, hình phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình phạt bổ sung tịch thu tang vật vi phạm hành chính hoặc trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm.
Tại khoản 3, Điều 21, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định rõ, mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.
Như vậy, hiện nay theo quy định thì hành vi bán dâm và hành vi mua dâm người vi phạm chỉ bị áp dụng hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Ngoài ra, không bị áp dụng thêm hình thức xử phạt nào khác.
Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với người bán dâm và người mua dâm không có quy định nào cho phép công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt người bán dâm hoặc người mua dâm.
Tại Điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định một số hành vi vi phạm khi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc xử phạt.
Cụ thể gồm: Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.
"Như vậy, rõ ràng các quy định pháp luật về việc xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với người mua dâm và người bán dâm không có quy định nào cho phép công bố công khai danh tính, hình ảnh của người bán dâm, người mua dâm", luật sư Vũ Quang Bá cho hay.
Bộ luật Dân sự 2015 có quy định rõ về việc cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh trong một số trường hợp không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh như: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cũng là một trong những quyền nhân thân của cá nhân. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
XEM THÊM: Tình tiết mới vụ "tú bà" điều hành đường dây tiếp viên hàng không bán dâm nghìn USD
Việc công khai thông tin, hình ảnh của người mua dâm và người bán dâm không chỉ không được pháp luật cho phép, mà còn tạo ra sự kỳ thị, cười chê, lên án của người thân, gia đình và xã hội đối với người mua dâm và người bán dâm, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, nhân phẩm và cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, luật sư Vũ Quang Bá đặc biệt nhấn mạnh: Trong trường hợp hành vi của người mua dâm bị xử lý hình sự về tội Mua dâm người dưới 18 tuổi hoặc người bán dâm có hành vi môi giới mại dâm do đây được xác định là những hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, để phòng ngừa chung cho xã hội thì bị can, bị cáo trong vụ án môi giới mại dâm, vụ án mua dâm người dưới 18 tuổi sẽ bị công khai danh tính khi cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử.
Luật sư Vũ Quang Bá