Báo Tuổi trẻ đưa tin, phát biểu tại chương trình, PGS.TS Tạ Hải Tùng, hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết khi ChatGPT ra đời đã cho thấy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Theo đó, năm ngoái trường mở phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu lĩnh vực này. Qua quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu, trường thấy nhu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực này rất lớn.
"Từ đầu năm 2024, chúng tôi quyết tâm tiên phong trong vấn đề đào tạo GenAI. Sau ba tháng làm việc liên tục vừa qua, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, chúng tôi xây dựng thành công chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù có thời hạn đào tạo chuẩn 1,5 năm, sinh viên theo học yêu cầu đã tốt nghiệp cử nhân các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, các ngành gần.
"Với chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh, chúng tôi không chỉ mong muốn đào tạo nguồn nhân lực từ cử nhân Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn là các bạn cử nhân từ các cơ sở đào tạo khác trên cả nước có nhu cầu và mong muốn theo đuổi ngành nghề hứa hẹn trong tương lai", ông Tùng nói.
Theo VnExpress, GenAI là lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo, sử dụng các mô hình học máy tiên tiến được huấn luyện trên kho dữ liệu khổng lồ để học cách mô phỏng và tạo ra những dữ liệu mới, bao gồm văn bản, hình ảnh, âm thanh, video...
TS Đinh Viết Sang, Giám đốc chương trình đào tạo này, cho biết ứng dụng của GenAI rất rộng, từ nghệ thuật và thiết kế, sáng tạo nội dung, đến thương mại điện tử, marketing, tài chính ngân hàng, y học, giáo dục.
Đầu tư vào GenAI trên thế giới năm ngoái đạt 25 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022, dự kiến lên 45 tỷ USD vào năm nay. Báo cáo Statista Market Insights nhận định quy mô thị trường GenAI tại Việt Nam có mức tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 23%, đến năm 2030 sẽ ở mức gần một tỷ USD.
"Đứng trước sự bùng nổ của GenAI, các công ty công nghệ, các ngân hàng hàng đầu đang đầu tư căn cơ về yếu tố con người, hạ tầng, công nghệ liên quan đến GenAI. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GenAI là nhu cầu cấp thiết", ông Sang nói.
Theo Data Science Programs, có hơn 1.000 đại học có chương trình đào tạo về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo trên thế giới, nhưng chuyên sâu về GenAI chỉ có hai trường. Tại Việt Nam, trước Bách khoa Hà Nội, chưa có trường nào đào tạo.