Ngày 4/4 (giờ địa phương), Trưởng đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) Carrie Lam cho biết bà sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai sau 5 năm đầy chông gai, được đánh dấu bằng các cuộc biểu tình lớn kêu gọi bà từ chức, một cuộc đàn áp an ninh và gần đây nhất là làn sóng COVID-19 áp đảo hệ thống y tế, ABC News đưa tin.
Người kế nhiệm của bà sẽ được chọn vào tháng 5 và người đứng đầu an ninh của thành phố trong các cuộc biểu tình năm 2019 là một trong những lựa chọn khả thi.
“Tôi sẽ hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm với tư cách trưởng đặc khu vào ngày 30/6 năm nay, và tôi cũng sẽ kết thúc 42 năm sự nghiệp trong chính quyền", bà Lam nói trong một cuộc họp báo. Đồng thời, bà gửi lời cảm ơn đội ngũ quan chức địa phương và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh, đồng thời cho biết bà dự định dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, đó là “sự cân nhắc duy nhất của bà”.
Nhiều tháng trước, thông tin được lan truyền về việc liệu bà Carrie Lam có đảm nhận một nhiệm kỳ mới hay không nhưng bà nói rằng quyết định của mình đã được chuyển đến chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vào năm 2021 và được đáp ứng với "sựtôn trọng và thông cảm”.
Truyền thông Hong Kong cho rằng vị quan chức cấp cao thành phố John Lee nhiều khả năng sẽ bước vào cuộc đua tìm người kế vị bà Carrie Lam. Ông John Lee là người đứng đầu bộ phận an ninh của Hong Kong trong các cuộc biểu tình năm 2019, được biết đến với sự ủng hộ của lực lượng cảnh sát trong các cuộc biểu tình và lập trường cứng rắn chống lại những người biểu tình.
Lãnh đạo của Hong Kong được bầu bởi một ủy ban bao gồm các nhà lập pháp, đại diện của các ngành và nghề khác nhau và các đại diện thân Bắc Kinh, chẳng hạn như đại biểu Hong Kong cho cơ quan lập pháp của Trung Quốc. Một trong những yêu cầu chưa được thực hiện của các cuộc biểu tình năm 2019 là bầu cử trực tiếp trưởng đặc khu của thành phố.
Cuộc bầu cử trưởng đặc khu đã được ấn định vào ngày 27/3 nhưng đã bị hoãn lại cho đến ngày 8/5 khi Hong Kong đang đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất.
Bà Carrie Lam nói rằng việc tổ chức các cuộc thăm dò như dự kiến ban đầu sẽ gây ra “rủi ro về sức khỏe cộng đồng” ngay cả khi một ủy ban chỉ có 1.462 người tham gia.
Hong Kong đã ghi nhận gần 1,2 triệu trường hợp mắc COVID-19, 99% bệnh nhân trong đợt dịch thứ 5 là do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao. Việc này đã gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, khi các bệnh viện đôi khi đặt bệnh nhân trên giường ngoài trời. Gần 8.000 người đã tử vong trong đợt bùng phát gần đây nhất, và các nhà máy hoạt động hết công suất đã sử dụng các thùng chứa lạnh để tạm thời cất giữ thi thể.
Bích Thảo(Theo ABC News)