Nhiều phe vé bật mí, để có được vé bán lại cho người hâm mộ trận Việt Nam- Philippines tại sân vận động Mỹ Đình, họ phải đi gom từng vé ngay tại cổng VFF hoặc trên mạng xã hội, còn một số người nhờ mối "quan hệ ngầm" sẽ nắm trong tay vé…VIP. Vậy đâu là sự thật?
Tiết lộ của một phe vé
Trận thắng tưng bừng trên sân Philippines trận bán kết lượt đi giải AFF Cup của thầy trò HLV Park Hang-seo khiến hàng triệu CĐV Việt hy vọng vào một chiến thắng lớn hơn. Chính vì thế, ai cũng muốn sở hữu cho mình chiếc vé xem bóng đá để có thể tận mắt chứng kiến những “chiến binh” áo đỏ thi đấu trên sân vận động Mỹ Đình. Không mua được vé bóng đá online của VFF, người hâm mộ đành ngậm ngùi tìm đến các phe vé với giá…"cắt cổ".
Bán vé bóng đá online, người hâm mộ mua được ít nhưng các vé phe vẫn hả hê nắm trong tay hàng chục cặp vé từ VIP đến thường. Trong vai một khách đang cần mua vé với số lượng lớn, tiền nong không thành vấn đề, chúng tôi đã tiếp cận được với một phe vé “lão làng”. Dừng xe ở gần khu vực Mỹ Đình, khách hàng sẽ được hàng loạt phe vé “hỏi thăm”: Mua hay bán? Bán nhiều không anh (chị) mua lại với giá cao cho? Mua loại vé nào, loại nào anh (chị) cũng có chỉ cần đủ tiền?
Khi thấy khách có nhu cầu mua với số lượng nhiều, vé khán đài A, một phe vé tên Phương nhanh miệng: “Các anh có đi khắp khu Mỹ Đình cũng không ai dám nhận số lượng nhiều thế đâu. Sát trận đấu, vé khan hiếm, chỉ ai thực sự “máu mặt” mới dám nhận số lượng lớn”.
Phe vé bóng đá tên Phương tiết lộ về mối quan hệ để có được vé bóng đá trận Việt Nam-Philippines |
Không kịp để khách hàng hỏi thêm, phe vé Phương lại tiếp tục giới thiệu: “Loại vé nào em cũng có hết. Nếu anh muốn vào cùng một cửa mà khán đài A cũng đơn giản, em sẽ có đủ cho anh sau một ngày. Vé mà em có sẽ đi cùng một cửa, ngồi chung một dãy ghế. Nói thật, đây là vé VIP nên không phải ai cũng có được đâu”.
Chúng tôi thắc mắc làm sao để phe vé Phương có được nhiều loại vé “hảo hạng” như vậy. Ban đầu, phe vé Phương cũng hoài nghi khi thấy chúng tôi hỏi han quá nhiều về nguồn gốc của loại vé mà Phương đang có trong tay. Thế nhưng, khi chúng tôi khẳng định chắc chắn sẽ mua và đang cần gấp, tiền không thành vấn đề, Phương mới tiết lộ: “Nói thật, đây là vé phải có quan hệ ngầm mới lấy được. Em thử hỏi anh vé mệnh giá 500 nghìn đồng có phải là vé VIP nhất không? Vé VIP như thế thì ai mới có? Anh thử đi hỏi tất cả các phe vé quanh đây xem ai dám nhận loại vé này” (?!)
Khi bày tỏ suy nghĩ rằng, đấy là vé khách mời mà phe vé Phương kiếm được, chứ bán online làm sao có thể có được vé như ý muốn, nghe thấy vậy Phương cười một cách bí ẩn: “Vé khách mời sẽ ghi là vé khách mời chứ không bao giờ có mệnh giá. Còn vé bán cho người hâm mộ, VIP nhất là 500 nghìn đồng/vé, nói chung toàn các VIP cũng mới được ngồi ở đây. Vì thế, giá bán ra vào giờ này cũng không rẻ đâu. Nếu anh đồng ý em sẽ để lại 6 triệu đồng/cặp. Mua nhiều hay ít giá cũng vậy, miễn mặc cả!”.
Chúng tôi ngỏ ý muốn mua vé VIP của phe vé Phương nhưng với giá “mềm” hơn để phù hợp với túi tiền, nhưng Phương một mực lắc đầu.
Để có được số vé nhiều như vậy vào giờ này, chắn hẳn Phương có một cánh tay vươn dài... Song đường đi của nó như thế nào chỉ có phe vé “lão làng” này biết rõ hơn ai hết.
Xem video: Cuộc ngã giá vé bóng đá...VIP của phe vé:
[presscloud]5948[/presscloud]
Cuộc mặc cả mua lại cũng được diễn ra nhanh chóng, phe vé Phương lập tức xin số điện thoại của chúng tôi để có thể trao đổi dễ dàng hơn. Rời khỏi Mỹ Đình chưa đầy 5 phút, chúng tôi đã nhận được cuộc điện thoại của phe vé Phương. Phương cho biết, nếu như có tiền thì sẽ nhận được vé ngay lập tức, nhưng phải với giá 6 triệu/cặp chứ không thể rẻ hơn được nữa.
Lùng sục gom vé cả của người mua lẫn người bán
Tiếp tục đi tìm mua được vé với giá “mềm” hơn mà phe vé Phương đưa ra, chúng tôi liên hệ với phe vé tên Dung. Biết là người quen giới thiệu, chị Dung đã nhanh chóng “bắt sóng”.
Chị Dung cho hay: “Khán đài A giờ vẫn còn “cửa” để vào nhưng giá hơi chát, phải 4,6 triệu/cặp. Mà không phải muốn là có ngay, chị chỉ có thể gom được 2, 3 cặp thôi. Chứ mua một lúc hơn chục cặp thì hơi khó”.
Bởi theo chị Dung, nếu như những trận bóng đá trước, phải xếp hàng mua vé còn có thể nhờ vả được người nọ người kia, kiếm được chục vé. “Trận trước không bán online, các phòng ban có một tý họ sẽ nhượng lại cho mình. Nhưng lần này bán online nên họ không có để lại cho mình nữa đâu. Nếu em đồng ý mua chị sẽ gom dần cho em. Những người mua được vé online họ cũng không dễ dàng bán đâu. Thấy họ nhận vé được từ VFF là bọn chị phải lao tới, nài nỉ họ bán cho.
Những ai ít đam mê bóng đá thì họ hay ngã giá với mình có lời họ sẽ bán, còn ai yêu thích, khát khao xem thật sự họ chỉ lắc đầu mà không nói với mình câu nào”, chị Dung cho biết.
PV đang được các phe vé níu giữ để mua-bán vé bóng đá. |
Cũng theo chị Dung, từ khi mở bán online, chị đã vừa mua vừa bán được hơn chục cặp vé. Cả ngày phải ngồi ở khu vực gần sân vận động Mỹ Đình để “săn lùng” vé, cũng vất vả. Nếu như chắc chắn, được cặp vé nào chị Dung sẽ alo đến lấy, không tiện thì có thể nhờ người quen rồi chuyển tiền vào tài khoản.
“Nói thật với em, những ai có quan hệ mới lấy được nhiều vé, chứ bọn chị là dân ở gần khu này, chủ yếu là buôn bán ở chợ hoặc chủ các nhà trọ rủ nhau ra đây ngồi lê la xem kiếm được đồng nào không. Mua được vé, gặp khách thì còn được bát cơm, không thì lại về tay trắng. Có một số khác thì đã thành phe vé “lão làng” rồi, họ là cầm đồ, chủ quán cà phê…Có nghĩa cứ có trận bóng nào bán vé là họ ra đây ngồi, họ coi như đó là một “nghề” để kiếm sống. Để gom được vài cặp vé bán lại cũng không hề đơn giản đâu, mình phải có “chiêu” thì khách hàng mới bán-mua ngay tại chỗ”, chị Dung chia sẻ.
Phe vé núp bóng người hâm mộ mua-bán trên mạng xã hội
Không chỉ mua-bán ngay tại khu vực Mỹ Đình, nhiều phe vé còn núp bóng sinh viên, người hâm mộ nhằm trục lợi trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ cụm từ Chợ vé bóng đá, mua bán vé bóng đá thì xuất hiện những đăng tải về việc rao bán.
PV kích vào nhóm Chợ vé bóng đá, trên bảng tin đủ các kiểu vừa mua vừa bán vé trận lượt về tại sân vận động Mỹ Đình: Em cần bán cặp khán đài B vị trí chính giữa sân luôn ạ. Giá công khai 3,8 triệu; Còn 2 cặp. Giá tốt cho ai lấy cả 2 ạ; Cần cặp khán đài C-D = 2,5 triệu đồng giao cho mình trong ngày mai, mình thanh toán cả ship; Tôi đang muốn nhượng lại cặp khán đài C, giá mềm…Những lời mời chào này khiến không ít người nhầm lẫn rằng đây là của những người hâm mộ mua được vé bóng đá online, giờ không có thời gian đi nên nhượng lại. Nhưng thực chất, nếu để ý thì thấy những lời mời chào cùng đăng một địa chỉ, một giá và người bán hoặc mua chỉ dùng nick facebook ảo.
Để kiểm chứng, PV liên hệ với số điện thoại để mua lại cặp vé mới được chủ nhân đăng tải bán với giá 4 triệu. PV được một người đàn ông tên Quân cho biết, chỉ có 2 cặp vé duy nhất và bán với giá niêm yết, không mặc cả. Khi PV ngỏ ý muốn được mua nhiều hơn thì Quân lại chuyển hướng khác: “Em mua nhiều à, em mua khoảng bao nhiêu vé, cửa mấy…phải nói rõ ra thì bọn anh mới đáp ứng được”.
Nhiều phe vé núp bóng người hâm mộ mua-bán với giá không hề rẻ. |
Sau khi lấy được lòng tin của Quân về vấn đề mua vé, sẽ chuyển tiền nếu lấy được vé như mong muốn thì Quân bắt đầu tiết lộ: “Nói thật, bọn anh là những người chuyên đi gom vé trên mạng. Thấy ai đăng trên trang cá nhân của họ có vé hoặc muốn bán vé là bọn anh nhắn tin hỏi thăm. Khi đã chốt được giá bọn anh sẽ mua lại và lại rao bán trên một số nhóm. Được nhiều bán nhiều, còn được ít mà số lượng khách đông quá thì phải báo lỗi với một số người”.
Quân cũng lý giải rằng, để khách hàng tin mình là người hâm mộ muốn nhượng lại vé nên Quân phải lập khá nhiều nick, đăng theo giờ bán mới “câu” được khách. Ngồi nhà và trở thành “anh hùng bàn phím”, phe vé Quân đã kiếm được không ít vé từ người hâm mộ, bán lại cho người hâm mộ.
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường vé bóng đá trận lượt về giải AFF Cup lại sôi động và nóng theo từng giờ như lúc này. Phe vé hoạt động nhộn nhịp ngay ở ngoài và trên mạng xã hội. Còn người hâm mộ đam mê bóng đá thì không ngừng “săn lùng” để có được tấm vé vào sân Mỹ Đình trận bán kết sắp tới.