Liên quan đến thông tin sẽ "chuyển sản xuất sang Triều Tiên", Samsung Điện tử Việt Nam vừa phát đi thông tin, công ty không bình luận về những tin đồn và suy đoán của cá nhân.
Ngày 17/10/2018, một số trang tin trong nước đã dẫn lại nguồn tin từ thời báo Nikkei (Nhật Bản) về phát ngôn của ông You Seung-min, Chiến lược gia trưởng tại Samsung Securities, khi cho rằng "Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chính đối với các sản phẩm gồm điện thoại thông minh và màn hình".
Cùng nhận định trên, ông You Seung-min còn đưa ra thông tin, rằng với Samsung Electronics, Triều Tiên là ứng cử viên hoàn hảo để đặt dây chuyền nhà máy bởi chi phí nhân công rẻ, không có rào cản ngôn ngữ và có cùng múi giờ. Triều Tiên có thể đóng vai trò sản xuất chính tại châu Á trong hệ thống kinh tế toàn cầu.
Liên quan đến các thông tin Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Samsung Điện tử trên toàn cầu, Samsung Điện tử Việt Nam vừa phát đi thông tin, cho biết công ty không bình luận về những tin đồn và suy đoán của cá nhân.
Samsung cho biết không bình luận về những tin đồn và suy đoán của cá nhân. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam |
Hiện tại, hai nhà máy, cụ thể là Samsung Bắc Ninh (Samsung Electronics Vietnam - SEV) và Samsung Thái Nguyên (Samsung Electronics Vietnam Thainguyen - SEVT) đang cung cấp hơn 50% thiết bị di động thông minh (smartphone và tablet) của Samsung Điện tử trên toàn cầu. 128 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng smartphone Samsung "Made in Vietnam", trong đó lớn nhất là châu Âu với 43%, Bắc Mỹ và Trung Đông đều là 17%.
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của các nhà máy Samsung tại Việt Nam là 54,4 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Được biết, tháng trước, hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã đồng ý phát triển nền kinh tế Triều Tiên với bản hòa ước xây dựng đường tàu và những con đường dọc bờ biển 2 quốc gia. Các nhà chức trách 2 bên cũng đồng ý vào hôm thứ 2 tại buổi họp ở ngôi làng đình chiến Panmunjom về việc chuẩn bị khởi công những dự án cơ sở hạ tầng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là cấm vận từ Liên hợp quốc và một số quốc gia gồm Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên vẫn đang được tiến hành. Điều đó có nghĩa là các tập đoàn như Samsung, Lotte, SK, LG và Hyundai đều không thể hoạt động tại đây. Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp này có thể kéo dài được bao lâu và ông Kim Jong Un có nghiêm túc với những khoản đầu tư từ nước ngoài hay không.
Vũ Đậu (T/h)