Kể từ khi cổ phần hóa đến nay, tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Sông Hồng không mấy khả quan, liên tục báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Bộ Xây dựng sắp thoái vốn tại Tổng Công ty Sông Hồng, dự kiến thu về 132 tỷ đồng. Ảnh: VietnamFinance |
Thoái vốn nhà nước tại SHG với giá khởi điểm gấp 5 lần thị giá
Bộ Xây dựng sẽ bán đấu giá hơn 13,2 triệu cổ phần đang sở hữu tại Tổng Công ty Sông Hồng (SHG) tương đương 49% vốn điều lệ.
Thời gian muộn nhất để các công ty chứng khoán có nhu cầu làm đại lý đấu giá gửi đơn đăng ký về Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) là ngày 30/11/2020. Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 25/12 tới đây tại HNX.
Giá khởi điểm bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, gấp 5 lần thị giá hiện nay của SHG. Như vậy, nếu thoái vốn thành công, bộ Xây dựng sẽ thu về hơn 132 tỷ đồng.
Tổng công ty Sông Hồng là doanh nghiệp có tên trong danh mục phải thoái vốn nhà nước trước ngày 30/11/2020, theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính Phủ.
Nếu không thoái vốn thành công, Tổng công ty sẽ chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.
Tổng công ty Sông Hồng tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì thành lập năm 1958, là đơn vị trực thuộc bộ Xây dựng.
Tính đến ngày 30/6/2020, phần vốn góp của Nhà nước chiếm tỷ lệ 49%, các cổ đông lớn khác của Tổng công ty Sông Hồng còn có ông Phan Việt Anh (tỷ lệ sở hữu 14,9%), bà Phạm Thị Phương Thúy (tỷ lệ sở hữu 11,06%) và ông Lã Tuấn Hưng (tỷ lệ sở hữu 9,25%).
"Con cưng" bộ Xây dựng thua lỗ kéo dài
Về tình hình kinh doanh, từ năm 2015 đến nay, SHG liên tục thua lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2018, con số lỗ của Sông Hồng lên đến 387 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với 2017.
Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ trước thuế hơn 72 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 973 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020, Tổng công ty ghi nhận 24,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ 2019.
Các chi phí lãi vay và quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao khiến Sông Hồng tiếp tục lỗ trước thuế 29,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu đã âm gần 700 tỷ đồng, do khoản lỗ lũy kế trên 1.000 tỷ đồng.
Trước tình trạng kinh doanh bết bát kéo dài, tháng 9/2019, Tổng công ty Sông Hồng đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin bán vốn ngay trong năm 2019.
Doanh nghiệp này khẳng định nếu kinh doanh vẫn tiếp tục ảm đạm thì trong một thời gian ngắn nữa, Tổng Công ty Sông Hồng buộc phải tuyên bố phá sản và mất toàn bộ vốn nhà nước.
Trước tình hình đó, tổ đại diện phần vốn nhà nước tại SHG đã hoàn thành và trình bộ Xây dựng phê duyệt hồ sơ thoái vốn doanh nghiệp để thực hiện đấu giá phần vốn nhà nước.
Bộ Xây dựng đã có báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận đưa Tổng công ty Sông Hồng vào danh mục thoái vốn nhà nước hết năm 2020.
Bạch Hiền (t/h)