Vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình đang được dư luận vô cùng quan tâm bởi trong quá trình xét xử xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ cũng như những lời khai sốc của các bị cáo liên quan đến vụ án.
Phiên toà xét xử vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình, dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến ngày 18/5, đã khiến cho dư luận đi hết từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác. Đặc biệt trong phần tự bào chữa của các bị cáo với những phát ngôn quanh co, chối tội, đổ lỗi của những người một thời có chức vụ trong ngành giáo dục, công an tỉnh.
Tại phiên tòa xét xử ngày 14/5, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) khai nhận, sau khi vụ nâng điểm bại lộ, cấp trên đề nghị Tuấn nhận toàn bộ trách nhiệm, cuộc sống vợ con bên ngoài sẽ có người lo liệu.
Cụ thể, bị cáo Tuấn khai rằng, sau khi vụ việc bị phát hiện, Tuấn được Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng khảo thí sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) gọi lên trao đổi rằng, nếu sự việc bị vỡ lở thì Tuấn đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm, việc sửa chữa bài thi là do sự chủ quan của mình: "Anh Vinh nói bị cáo cứ nhận tội một mình, công việc bên ngoài, đời sống vợ con, che chắn, các anh bên ngoài sẽ lo".
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn. Ảnh: Pháp luật Việt Nam |
Bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn tiếp tục khai rằng, sau khi đầu thú và được tạm cho về, bị cáo có tới nhà gặp Vinh và nói rằng công an không chỉ muốn xử lý vài người "tép riu, làng nhàng” mà muốn tìm người đứng đằng sau. Lúc này, Vinh trấn an nếu đường cùng thì phải khai, nhưng Vinh sẽ chỉ nhận phần thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên sau này bị cáo Tuấn thấy đây là điều vô lý nên khai toàn bộ sự thật với Công an.
Trong phần trả lời luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí, sở GD-&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết: không có động cơ, mục đích vụ lợi gì mà do nể nang nên nhận lời giúp Đỗ Minh Tuấn sửa điểm.
"Tôi bảo không giúp, anh Tuấn đưa tôi xem danh sách nói có cả anh Vinh (bị cáo Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng Phòng Khảo thí) và Trưởng Phòng PA 83 (bị cáo Khương Ngọc Chất) rồi, có chống lưng rồi, lo gì. Tôi thấy có Khương Bá Anh, biết là chiến sĩ công an ở huyện Kim Bôi, nên yên tâm và dẫn tới phạm tội"- bị cáo Tuấn khai nhận.
Không thuê luật sư, tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan (nguyên giáo viên trường THPT Lạc Long Quân), là thành viên tổ chấm thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình, bật khóc, thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Loan cho biết chỉ vì thương học sinh và nghĩ rằng làm điều gì có lợi cho học sinh, không gây tổn hại cho học sinh thì sẽ làm nên đã dẫn tới phạm tội.
"Bị cáo đã cần mẫn làm một việc ngu dốt. Việc phạm tội của bị cáo do quá nể nang, để tình cảm lấn át, thiếu hiểu biết về pháp luật. Chưa bao giờ bị cáo nghĩ rằng đi chấm thi mà bị đi tù. Nếu biết đi chấm thi mà phải đi tù thì bị cáo đã bỏ nghề" - Loan chua chát khai.
Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên- nguyên Phó Phòng Khảo thí. Ảnh: Giao thông |
Trong khi đó, bị cáo Lê Thị Hồng (cựu Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ), thành viên tổ chấm thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hòa Bình, nói rằng bản thân bị cáo cảm thấy rất nhục nhã khi phải đứng trước bục khai báo. Bị cáo Hồng thừa nhận do nể nang nên bị cáo đã tự lấy thông tin thí sinh để nhờ nâng điểm. Bị cáo Hồng cũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị truy tố vì chỉ đạo 3 tổ trưởng và các giáo viên chấm thi tự luận môn ngữ văn nâng điểm cho 20 thí sinh, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (nguyên Phó Phòng Khảo thí) khai có đề nghị các giám khảo chấm "có lợi cho học sinh của tỉnh mình" chứ không ép buộc và nói do nể nang, đề cao đồng nghiệp.
Nói về chuyện thực hiện nâng điểm thi tốt nghiệp cho học sinh, bị cáo Liên giải thích cho hành vi của mình: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
Bạch Hiền (t/h)