Ban chấp hành Trung ương thống nhất trình Đại hội XIII số lượng ủy viên Trung ương khóa mới khoảng 200 người. Về số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới cũng "cố gắng giữ như khóa XII, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người để đảm bảo lãnh đạo toàn diện".
Sáng 27/5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị báo cáo viên, thông báo kết quả hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa XII).
Ông Nguyễn Hồng Diên, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết hội nghị nêu trên đã thống nhất phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. Theo đó, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Trung ương khoá mới cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Hội nghị cũng nhất trí tăng cường số lượng ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số. Ban chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi, trong đó phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm khoảng 15-20%; 50 - 60 tuổi khoảng 70% và từ 61 tuổi trở lên khoảng 10%.
"Trường hợp đặc biệt, cần thiết tái cử Ban chấp hành Trung ương khóa mới dù không nằm trong độ tuổi theo quy định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ cân nhắc kỹ lưỡng và trình ra Ban chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với đại hội Đảng lần thứ XIII (dự kiến khai mạc quý I/2021)", ông Diên nói.
Theo ông Diên, "trường hợp đặc biệt" trong công tác nhân sự là bài học từ các khóa trước để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình đất nước.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Dân trí |
Cũng tại hội nghị 12 (khóa XII), Ban chấp hành Trung ương thống nhất trình Đại hội XIII số lượng ủy viên Trung ương khóa mới khoảng 200 người, trong đó 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết (số lượng bằng khóa XII). Về số lượng ủy viên Bộ Chính trị khóa mới cũng "cố gắng giữ như khóa XII, từ 17 đến 19 người, Ban Bí thư từ 12 đến 13 người để đảm bảo lãnh đạo toàn diện".
"Kiên quyết không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng, không trúng cử Ban chấp hành cấp dưới nhưng lại vào Ban chấp hành Trung ương", ông Diên nêu nguyên tắc.
Cũng tại Hội nghị trung ương 12, Ban Chấp hành trung ương đã đưa ra 6 nguyên tắc lựa chọn ủy viên trung ương khóa 13.
Các ủy viên Ban Chấp hành trung ương phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, có kiến thức toàn diện, tích cực tham gia thảo luận đường lối chính sách của Đảng. Có năng lực dự báo, xử lý hiệu quả những tình huống bất ngờ, có tố chất năng lực, lãnh đạo quản lý, có óc chiến lược, có hoài bão.
Ngoài các tiêu chuẩn của ủy viên trung ương, các ủy viên dự khuyết trung ương phải có năng lực lãnh đạo vượt trội, có triển vọng để phát triển tố chất lãnh đạo quản lý cấp cao hơn, được quy hoạch vào cán bộ chủ chốt ở địa phương.
Đối với ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư khóa tới, trung ương thống nhất quy định phải thật sự tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực quản lý và ý thức tổ chức kỷ luật.
Có tầm nhìn tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất các vấn đề mới. Có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện, sử dụng người có đức, có tài, là ủy viên Ban Chấp hành trung ương chính thức trọn một nhiệm kỳ trở lên, kinh qua chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, trưởng, phó các ban ngành trung ương, trưởng, phó Mặt trận Tổ quốc, hoặc các tổ chức đoàn thể, chính trị. Có đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ.
Trường hợp ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư công tác trong quân đội phải kinh qua chức vụ chủ trì ở cấp quân khu, quân đoàn hoặc tương đương.
Cự Giải(T/h)