+Aa-
    Zalo

    Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng của rừng xanh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐS&PL) Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ được biết đến một vị tướng lừng danh Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn và tên tuổi ông luôn được nhắc tới cùng con đường Trường Sơ

    (ĐS&PL) Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không chỉ được biết đến một vị tướng lừng danh Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn và tên tuổi ông luôn được nhắc tới cùng con đường Trường Sơn huyền thoại mà còn ông được biết là vị tướng của đại ngàn rừng xanh. Báo Đời sống & Pháp luật xin giới thiệu bài viết dưới đây của TS. Phí Văn Kỷ, nguyên TBT Tạp chí Nông nghiệp Việt Nam.

    Tôi thật có vinh dự được theo làm việc một thời gian với ông Đồng Sỹ Nguyên, khi ông là Đặc phái viên của Chính phủ, đặc trách Chương trình 327( QĐ só 327TTg, ngày 15/1/1992 ), chương trình Quốc gia “Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. Ông nguyên là Uỷ viên Bộ chính trị, phó Thủ tướng Chính Phủ, một vị tướng lừng danh Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn và tên tuổi ông luôn được nhắc tới cùng con đường Trường Sơn huyền thoại. Đây là con đường huyết mạch của hậu phương miền Bắc và chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Con đường chiến lược này với quân số lúc cao điểm nhất hơn 12 vạn binh sỹ, trong đó hơn một vạn là lực lượng Thanh niên xung phong.

    Những ngày chúng tôi theo ông đi khắp mọi miền của đất nước, vượt đèo, lội suối, đội nắng mưa …xem xét nghiên cứu tình hình và tìm giải pháp phủ xanh ĐTĐNT ở các địa phương. Ông xót xa thấy hiểm nguy của sự suy giảm độ che phủ của rừng, năm 1945 độ che phủ 50% nay chỉ còn 27%.Tận mắt chứng kiến trận lũ Mường Lay, sập núi Cao Bằng, sập đường lũ bùn Sơn La, sự tàn phá của bão, triều cường ở miền Trung …Ông nói như tâm sự với chúng tôi lúc làm việc, lúc đi đường, lúc nghỉ ngơi, đau đáu một nỗi niềm: Chiến tranh đã tàn phá, hủy diệt rừng. Hòa bình rồi phá rừng lại càng có nguy cơ gia tăng hơn.Tại họa môi trường đang rình rập ngày đêm lũ quét, lũ ống, mưa lụt, sập đường, lở núi…Tất cả là do rừng bị tàn phá: Nay phải trả lại màu xanh cho rừng, trả lại sự bình yên cho cuộc sống con người…

    TS. Phí Văn Kỷ (bên trái) trong một lần lưu niệm cùng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

    Chúng tôi đi theo ông trở lại con đường mòn xưa Trường Sơn, nơi cây rừng bén xanh tái sinh, nơi vẫn còn cỏ cây trụi đen xì vì chất độc giặc Mỹ rải cách đây hơn 20 năm…Những trận đánh ác liệt ngày nào, bao nhiêu chiến sỹ đã hy sinh như đang hiện về trong ông. Nhiều lúc chúng tôi thấy ông lặng đi. Và chúng tôi không giám nhìn vào mắt ông…

    Chương trình 327 trong 5 năm nhiều lần được Chính phủ thay đổi, bổ sung các mục tiêu: Khởi đầu chương trình lấy cây rừng ( cây lâm nghiệp ) phủ xanh đất trống đồi trọc, sau này được tính cả cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc…: Lúc đầu không có vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn về sau được bổ sung:làm đường nông thôn, thủy lợi nhỏ, trường học, trạm xá….Mục đích của chương trình là hướng tới giữ rừng, phát triển rừng và bảo vệ rừng trên cơ sở tổ chức cho đồng bào dân tộc có cuộc sống gắn với rừng, định canh định cư ổn định không phá rừng.

    Đây là sự chỉ đạo Ban chương trình 327 của ông Đồng Sỹ Nguyên đã tham mưu cho Thủ tướng về những nội dung thay đổi này. Ông sâu sát thực tế, gần gũi đồng bào dân tộc miền núi, xử lý linh hoạt với đặc điểm của từng địa phương. Ông cùng với các Bộ Nông nghiệp – CNTP, Bộ Lâm nghiệp, UB Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành liên quan trình Chính phủ phê duyệt các mục tiêu của chương trình 327 qua từng năm đúng hướng. Sau 3 năm thực hiện Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thông báo kết luận về mục đích của Chương trình 327 ( CV số 4785/KTN, ngày 29/8/1994 ), cần tiếp tục triển khai: Bảo vệ rừng phòng hộ hiện có ở những nơi còn đồng bào dân tộc du canh du cư phả rừng làm rẫy để gằn với ĐCĐC; Phủ xanh đồi núi trọc miền núi, trung du, đồng bằng ( MN,TD trọng tâm ). 

    Thời kỳ này có lúc có tới 900 dự án của các địa phương và của các nông, lâm trường Quốc doanh. Vốn hàng năm nhà nước đầu tư 400 đến 500 tỷ đồng/ năm . Dạo ấy độ che phủ rừng ở Tây Bắc chỉ 9-11% . Qua Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu chỉ thấy núi đồi trọc lốc chẳng khác gì đầu các nhà sư. Ông kể lại ngày trước đánh Điện Biên Phủ không có rừng xanh thì làm sao hàng vạn quân, dân công, thanh niên xung phong hành quân ngày đêm tránh được máy bay giặc Pháp, làm sao kéo pháo vượt núi vào trận địa để có chiến thắng Điện Biên lẫy lừng.

    Mấy chục năm nay chẳng trận mạc gì mà rừng bị phá sạch. Mà đồng bào đân tộc ở đây nghèo quá, bữa đói bữa no, áo không đủ ấm…Ông day dứt và nói với chúng tôi rằng: Rừng núi là chiếc nôi của cách mạng , chở che cho cách mạng, bà con các dân tộc sắn khoai nuôi cách mạng. Ơn nghĩa biết chừng nào ? Các chú tính cách gì giúp đồng bào có cái ăn, cái mặc mà không phá rừng. Mà đâu chỉ có đồng bào phá mà do ngay sự quản lý của nhà nước lỏng lẻo, lâm tặc phá, doanh nghiệp phá, đua nhau phá rưng. Các chú là nhà khoa học, nhà kinh tế, hoạch định chính sách …phải có kiến nghị, giải pháp gì chư?

    Đi đến địa phương nào cũng vậy, nghe tỉnh báo cáo hiện trạng rừng, nghe kiến nghi, phương hướng…ông đều hỏi cặn kẽ, chi tiết. Sau đó cùng đi kiểm tra. Ông khuyên các địa phương lựa chọ cây bản địa gỗ quý, gợi ý lựa chọn trồng cây kinh tế và tìm kiếm thị trường cho lâm sản ngoài gỗ...Ông hỏi kinh nghiệm của bà con cách ươm giống cây trám đen, trám trắng. Ông hỏi kỹ tại sao cây đen, cây trẩu ở Sơn La trồng bạt ngàn không có quả…

    Ông cùng lãnh đạo tỉnh, huyện và đoàn công tác của Ban chương trình 327, đi đến đâu cũng phát động trồng cây: Trong trường học ở Bát Sát – Lao Cai; trồng cây ở dự án Hồng Bàng – Yên Bái; trồng cây với bộ đội biên phòng Hà Giang; trồng cây trên đồi O ở Điện Biên Phủ, trồng cây ở căn cứ cách mạng Tân Trào; trồng cây ở Đắc Lắc, Lâm Đồng …Ông cùng mọi người cuốc hố, bỏ phân, đưa cây giống xuống hố, tưới nước…mồ hôi ướt đẫm bộ quân phục. Không phải lễ nghi cán xẻng, cán cuốc cuốn hoa, tay mang găng …bỗ bỗ vài cái rồi vỗ tay rào rào hoan hỉ.

    Ông Đồng Sỹ Nguyên rất ghét hình thức. Một lần trên đường đi công tác về Hà Nội, qua một tỉnh miền núi vào những ngày đầu xuân thấy công an huýt còi cấm đường, bắt xe ngược chiều dẹp bên vệ đường. Ông cho bảo vệ xuống hỏi, được biết địa phương đón đoàn Trung ương về để hôm sau dự lễ trồng cây. Chúng tôi buồn cười, người hoach định phát triển rưng, cấp vốn trồng rừng không được mời dự lễ trồng cây?

    Đoàn chúng tôi được ông Đồng Sỹ Nguyên cho rẽ vào sở Lâm nghiệp tỉnh nọ hỏi lễ trồng cây tổ chức thế nào. Được Sở Lâm nghiệp báo cáo thành phần quan chức Trung ương, địa phương, đoàn thể, kế hoạch tiếp đón ăn uống, nghỉ cho đại biểu. Cả Sở Lâm nghiệp lo việc hậu cần mấy trăm người đi trồng cây. Các đại biểu đón tiếp khách sạn, dân chúng được phát bánh mì, nước uống.Tóm lại lễ trồng cây linh đình, trang trọng vaf khá tốn kém. Ông nhẩm tính và bảo: Thế này giá của một cây giống có lẽ bằng cây gỗ lớn mấy chục năm trồng…Ông thở dài lắc đầu. Chúng tôi nghĩ : Chắc lại chi vào vốn 327, địa phương lấy đâu ra tiền?

    Đi công tác với ông ăn cơm nắm, nhỡ bữa chuyện thường, nhiều lần đói méo mặt. Có lần lên đồn biên phòng Cha Lo, đói quá, các chiến sỹ ở đây cũng chả có gì…hò nhau nhổ sắn luộc ăn. Ấy thế mà tình cảm, vui như hội. Có lần đi từ Sài Gòn lên Lâm Đồng, xe chúng tôi hỏng phải sửa dọc đường…Hơn mười giờ đêm mới đến Đà Lạt , ông vẫn chờ cơm.

    Những câu chuyện này chắc anh Vấn, anh Vân ( Văn phong Chính phủ ), anh Vanh ( Bộ KH- ĐT ), anh Hòa, anh Uyên ( Bộ Nông nghiệp ), bác sỹ Du …đều nhớ cả. Đầu năm 1996, Chương trình 327 đã cơ bản hoàn thành và chuyển hướng đầu tư phát triển trên diện lâm nghiệp toàn diện, Chương trình 661 ra đời tiếp tục Chương trình 327.Từ đấy tôi không có dịp theo làm việc với ông.

    Ông được Chính phủ cử làm Cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng tham gia Ban chỉ đạo Nhà nước về quốc lộ Hồ Chí Minh (quốc lộ Trường Sơn). Nhiều lần tôi và các anh Đỗ Văn Hòa, Cao Vĩnh Hải được theo Bộ Trưởng Nguyễn Công Tạn đến mừng sinh nhật ông. Lần nào cũng vậy ông luôn hỏi về hiệu quả của Chương trình 327. Những kỷ niện được làm việc với tướng Đồng Sỹ Nguyên thật khó quên. Mấy năm sau, ông đã gửi tặng tôi cuồn hồi ức ĐƯỜNG XUYÊN TRƯỜNG SƠN, với lời đề tình cảm: “ Thân tặng chú Thanh Văn, người tâm huyết với chương trình 327”.

    Đầu những năm 1990, độ che phủ của rừng cả nước 27% , nay cuối thập niên đầu thế kỷ 21 đạt 40%. Mầu xanh trở lại, trên những khu rừng trồng và được bảo vệ, hàng trăn lâm trường, nông trường chè, vải, cam sống lại nhờ chương trình 327. Những người dân sống với rừng, gắn bó với rừng nhớ đến ông Đồng Sỹ Nguyên như một vị Tướng của Rừng Xanh .

    TS. Phí Văn Kỷ/Sức Khỏe 365

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-tuong-dong-sy-nguyen-vi-tuong-cua-rung-xanh-a273768.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.