(ĐSPL) - Trong bối cảnh các dịch vụ cả trong và ngoài bệnh viện đang được bộ Y tế tăng cường giám sát sau những vụ bệnh viện bị “xẻ thịt” thì thông tin về việc liên kết giữa một bệnh viện tuyến Trung ương với công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng phương thức massage đang dấy lên nhiều nghi vấn. PV báo ĐS&PL đã trực tiếp tìm hiểu và phát hiện nhiều điều lạ…
Dính “nghi án” vì cụm từ… nhạy cảm
Theo nguồn tin phản ánh, trong thời gian dài vừa qua, bệnh viện Châm cứu Trung ương (địa chỉ tại 49 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) liên kết và cho phép công ty Dịch vụ chăm sóc sức khỏe Massage Hương Sen (công ty Hương Sen) hành nghề... “massage” ngay trong khuôn viên của mình. Cụ thể, phía bệnh viện đã dành hẳn 500m2 đất đê công ty này làm các dịch vụ massage, xông hơi, xoa bóp bấm huyệt. Dư luận đặt dấu hỏi nghi ngại: Việc liên doanh liên kết với đơn vị ngoài nhằm thu lợi la có “vấn đề” và không loại trừ khả năng hướng đến mục đích “lợi ích nhóm” khi “hợp tác” theo hình thức kinh doanh liên kết?
Ngay sau khi tiếp nhận những thông tin trên, PV đã trực tiếp xuống ghi nhận. Thực tế cho thấy, trong khuôn viên của bệnh viện này đang tồn tại một khu chăm sóc sức khỏe có biển đề cơ sở Hương Sen (thuộc công ty TNHH chăm sóc sức khỏe Massage Hương Sen). Tại khu này có đầy đủ các dịch vụ massage từ xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi... với đội ngũ nhân viên nữ rất xinh đẹp. Giá thành cho mỗi lượt dao động từ 250.000 – 450.000 đồng, tùy theo từng nhu cầu khác nhau của khách hàng.
Khu chăm sóc sức khỏe khách hàng của công ty Hương Sen nằm trong khuôn viên bệnh viện. |
Trong vai một khách hàng tìm đến cơ sở này để xoa bóp bấm huyệt, PV mua gói 250.000 đồng. Sau khi làm thủ tục tại lễ tân, PV được nhân viên hướng dẫn vào phòng massage bấm huyệt sau khi đã để lại tất cả đồ đạc tại tủ đồ ở ngoài. Khách hàng khi vào đều được nhân viên tại đây hỏi có “nhân viên” ruột không sẽ được điều động lên ngay nếu không sẽ điều nhân viên khác phục vụ.
Sau màn tắm sục và xông hơi sẽ đến màn xoa bóp bấm huyệt. “Cô nhân viên được điều động lên bấm huyệt, xoa bóp cho tôi hôm đó tự giới thiệu mình làm tại Bệnh viện và sang đây làm chỉ là làm thêm theo giờ. Trong lúc massage, PV có hỏi cô nhân viên này: “Ở đây có xoa bóp, châm cứu, massage cho bệnh nhân trong bệnh viện không?”. Cô này nói: “Có chứ anh, song không nhiều lắm. Bên em chỉ nhận làm dịch vụ cho những trường hợp bệnh nhân được trực tiếp các bác sỹ tại bệnh viện dẫn sang thôi”!
Quá trình thâm nhập của PV cũng cho thấy, hoạt động dịch vụ massage cho khách tại đây được quản lý khá chặt chẽ, từ khâu thu phí, điều động nhân viên cho khách... thậm chí tiền khách “bo” cho nhân viên cũng được quản lý gắt gao.
Sau khi có được những dữ liệu thực tế, sáng ngày 15/8, PV đã liên lạc và có buổi làm việc với ông Nguyễn Quốc Khoa, Phó Giám đốc bệnh viện Châm cứu Trung ương để làm rõ hơn những thông tin này. Ông Khoa xác nhận: “Đúng là có việc tồn tại một cơ sở massage trong khuôn viên Bệnh viện. Song mọi người cần phải nắm được thông tin một cách toàn diện thì sẽ hiểu vấn đề này... không có gì là “khuất tất” như phản ánh”.
Ông Khoa cho biết, việc tồn tại trung tâm xoa bóp bấm huyệt chăm sóc sức khỏe Hương Sen đã có từ rất lâu rồi và được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền. Sau năm 1990 Bệnh viện mới liên doanh, liên kết với đơn vị ngoài nhằm mục đích nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nó cũng giúp đơn vị có nguồn thu và dùng nguồn thu này để đầu tư lại mở mang cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho bệnh viện. Việc này góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh tại đây.
Ông Khoa nhấn mạnh: “Trước đây, trung tâm này là trung tâm châm cứu và xoa bóp, bấm huyệt song khi chuyển thành trung tâm Massage xoa bóp bấm huyệt Hương Sen thì khi có cụm từ mas- sage khiến nó có vẻ... nhạy cảm”.
Phải công khai minh bạch
Cũng trong buổi làm việc, trước câu hỏi của PV về việc Bệnh viện nhượng quyền sử dụng diện tích hơn 500m2 đất cho công ty Hương Sen liệu có vi phạm về việc sử dụng nguồn đất công của bệnh viện? Ông Khoa cho hay: “Như tôi đã nói từ trước, việc này chỉ đơn thuần là việc liên doanh, liên kết với đơn vị bên ngoài (đủ các điều kiện kinh doanh) nhằm tăng nguồn thu cho bệnh viện. Và việc liên kết kinh doanh thì đương nhiên mình phải “góp vốn” bằng nhiều hình thức. Trong trường hợp này, bệnh viện cho đối tác thuê diện tích đất trên để mở cơ sở, không phải chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay bán”, ông Khoa nhấn mạnh!
Theo vị lãnh đạo Bệnh viện, ngoài những thời điểm đầu tiên đi vào hoạt động, Bệnh viện còn trực tiếp quản lý, tuyển dụng và hỗ trợ nguồn nhân lực cho cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn cho việc châm cứu, bấm huyệt. Tại thời điểm này, do cơ chế và điều luật thay đổi nên buộc trung tâm cũng phải hoán chuyển thành công ty để đáp ứng các điều kiện kinh doanh. “Nói một cách đơn giản, Bệnh viện và công ty Hương Sen hoạt động hoàn toàn độc lập về tài chính. Phía công ty phải đóng góp vào ngân sách Bệnh viện từ hoạt động kinh doanh của mình, chịu sự quản lý trực tiếp của sở Y tế va các ban ngành liên quan”, ông Khoa cho biết thêm.
Trước câu hỏi của PV, với việc một công ty hành nghề massage xoa bóp, bấm huyệt ngay trong Bệnh viện thì liệu có việc bệnh nhân của bệnh viện bị điều chuyển vào đây điều trị không? Ông Khoa khẳng định: “Không bao giờ có chuyện đó bởi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh được chi trả theo BHYT (nếu có BHYT), được thăm khám theo chuyên môn. Còn hoạt động của công ty Hương Sen đơn thuần chỉ làm dịch vụ, bệnh nhân, người dân có nhu cầu thì vào đó để lựa chọn các dịch vụ như một khách hàng thông thường. Và, các hoạt động châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, massage tại đây luôn được kiểm tra gắt gao. Tất cả các bác sỹ tham gia phải có bằng cấp, giấy phép hành nghề, nhân viên công ty phải có chứng chỉ hành nghề châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt được cơ quan chức năng cấp”.
Vậy, việc tại Bệnh viện, các nhân viên không được nhận phong bì, còn tại Trung tâm Hương Sen, khi khách vào massage, lại phải “bo” cho nhân viên và được hỏi “có nhân viên ruột” không... được giải thích thế nào vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin về sự vụ này!
Siết chặt các dịch vụ thuê khoán tại bệnh viện Ngày 12/8, tại hội nghị nâng cao quản lý các dịch vụ thuê ngoài vào bệnh viện khu vực các tỉnh phía Bắc do cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế) tổ chức, Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo quy chế quản lý dịch vụ thuê khoán bên ngoài bệnh viện và đang lấy ý kiến lãnh đạo các bệnh viện. Theo đó, bệnh viện sẽ có 2 nhóm loại hình dịch vụ thuê khoán gồm: Loại hình dịch vụ tiện ích cho công tác quản lý bệnh viện và dịch vụ tiện ích cho người bệnh. Đồng thời yêu cầu siết chặt việc thực hiện các dịch vụ thuê khoán theo hướng công khai, minh bạch giá đối với người bệnh, nguồn thu từ dịch vụ thuê khoán ngoài... |
VI HẬU
[mecloud]nCghE2vtou[/mecloud]