(ĐSPL) - Trong đêm, hơn 600 học viên của trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai la hét, đập phá, bỏ trốn ra ngoài, gây mất an ninh trật tự. Người dân trong khu vực hoảng sợ phải khóa chặt cửa, không dám ra khỏi nhà. Được biết, đây là lần thứ 3 chỉ trong 2 tháng, học viên của trung tâm trốn trại ra ngoài. Theo lãnh đạo của trung tâm, nguyên nhân học viên “nổi loạn” là do… quá tải.
Học viên liên tục trốn trại
Theo báo cáo của sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, tính đến chiều 24/10, tổng cộng 341 học viên trốn khỏi trung tâm Cai nghiện tỉnh Đồng Nai (địa chỉ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vào đêm 23/10 đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, hiện còn 221 học viên đang lẩn trốn bên ngoài. Qua phân loại đối tượng, cơ quan điều tra xác định được 3 đối tượng cầm đầu trong vụ tổ chức trốn trại cai nghiện, bao gồm: Trần Ngọc Dũng (26 tuổi, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), Võ Đình Huân (31 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TX. Long Khánh, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), Đậu Đức Nghĩa (31 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Đối tượng Dũng và Huân cùng ở khu E2 (khu quản lý đối tượng không nơi cư trú ổn định), còn Nghĩa ở khu trạm xá.
Trung tâm cai nghiện tan hoang chỉ sau 1 đêm |
Thông tin ban đầu cho biết, chiều tối 23/10, Dũng báo bị bệnh để xin xuống trạm xá khám bệnh, phát thuốc. Tuy nhiên, khi trở về phòng, Dũng tự lấy vật nhọn cắt cổ tự tử để kích động các học viên khác phá cửa, đạp sập tường chạy trốn. Khi thoát khỏi phòng, các đối tượng này kéo qua các khu khác phá cửa, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng cùng trốn chạy. Lợi dụng hỗn loạn, Huân và Nghĩa trộm một xe mô tô của cán bộ trung tâm để tẩu thoát. Đối tượng Dũng bị thương nên chỉ chạy được một đoạn thì bị bắt giữ.
Trong số 562 học viên trốn trại, có 58 học viên nữ cũng bị lôi kéo, kích động bỏ trốn. Những học viên này đều chuẩn bị hung khí như gậy, ván, đồ dùng cá nhân, bình chữa cháy để chống trả lực lượng bảo vệ. Sau khi thoát ra khỏi cổng chính của trung tâm, các học viên đi thành từng đoàn, tràn ra Quốc lộ 1A. Nhận được tin báo, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) kịp thời có mặt tại trung tâm. Thế nhưng, số lượng học viên bỏ trốn quá đông nên lực lượng bảo vệ, công an, cán bộ... đành bất lực. Theo ghi nhận của PV, sau khi thoát ra ngoài, các học viên này kéo về hướng TX Long Khánh nhưng đến khu vực xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) thì dừng lại, chia nhỏ ra bỏ trốn.
Một số học viên manh động, dùng gậy gộc, tuýp sắt, mã tấu... chặn các phương tiện đang lưu thông trên Quốc lộ 1A để xin tiền. Lúc này, khoảng 100 cảnh sát cơ động của tỉnh Đồng Nai được tăng cường, tiến hành truy bắt, đưa học viên về lại trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, một số học viên đã nhanh chóng bỏ chạy vào các con hẻm, vườn, nhà dân... lẩn trốn. Nhớ lại cảnh hỗn loạn tối 23/10, chị Huỳnh Mỹ Lan (ngụ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Tối đó, tôi đi làm về muộn. Lúc đi trên Quốc lộ 1A, tôi thấy đông người la hét thì biết có chuyện chẳng lành. Khi thấy họ cầm gậy gộc, mã tấu vung chém tứ phía, tôi hoảng hồn chạy thẳng xe vào nhà dân bên đường, xin lánh tạm”.
Theo chị Lan, đây không phải lần đầu chị nghe tin học viên trung tâm cai nghiện Đồng Nai trốn trại. Thế nhưng, số lượng học viên trốn trại lần này vượt ngoài sức tưởng tượng của chị, cũng như người dân địa phương. Một cán bộ của trung tâm cai nghiện Đồng Nai cho biết, chỉ trong hai tháng, học viên của trung tâm đã bỏ trốn “thành công” 3 lần. Cách đây 1 tuần, vào ngày 17/10, khoảng 18h, lợi dụng lúc trời mưa lớn, một nhóm học viên đang cai nghiện tại phòng số 1, khu D, bất ngờ phá cửa thông gió ở phòng vệ sinh bỏ trốn. Có 9 học viên bỏ trốn nhưng trung tâm chỉ bắt lại được 4 người. Tương tự, vào đêm 25/9, 15 học viên đang điều trị tại phòng 3, khu C phá lưới B40 trốn thoát ra ngoài.
Quá tải 2 lần
Trao đổi với PV báo ĐS&PL vào chiều 24/10, ông Cao Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Xuân Phú cho biết: “Ngay khi hay tin học viên của trung tâm cai nghiện bỏ trốn, tối 23/10, chính quyền địa phương xã Xuân Phú đã kịp thời khuyến cáo người dân đóng cửa, hạn chế ra ngoài. Đồng thời, chúng tôi cũng thông báo các cơ sở kinh doanh, công ty đóng trên địa bàn cần tăng cường công tác giữ gìn, bảo vệ tài sản. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân yên tâm, không hoang mang. Người dân cần báo ngay cho cơ quan công an, dân phòng, xã đội khi có thông tin về các đối tượng cai nghiện lang thang, xin tiền trong xóm, ấp”.
[mecloud]SgmcrLxBMC[/mecloud]
Tuy đã được chính quyền địa phương trấn an nhưng người dân xã Xuân Phú và các xã lân cận đều không tránh khỏi lo sợ. Ông Nguyễn Thế Huân (52 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Xã Xuân Phú có 5 ấp, nhưng ấp Bình Tân là nơi có nhiều học viên lẩn trốn. Tối 23/10, xã có thông báo yêu cầu chúng tôi khóa cửa, tắt đèn, không ra ngoài tránh va chạm với các học viên cai nghiện. Tôi sợ họ lên cơn rồi làm bậy. Cả nhà tôi không dám ra ngoài làm hay đi chợ. Nghe nói, còn gần 300 học viên bỏ trốn. Tôi sợ họ đập cửa xin tiền mà mình không cho, chắc họ đốt nhà luôn quá!”.
Khi nghe tin hàng trăm học viên trốn trại, người dân ở xã Xuân Phú rất bức xúc. Một cán bộ của ấp Bình Tân cho biết: “Trong những cuộc họp gần đây, người dân trong ấp phản ánh rất nhiều về tình trạng học viên cai nghiện trốn trại. Chỉ trong tháng 9, 10 mà có đến 3 vụ trốn trại. Qua trao đổi với lãnh đạo của trung tâm cai nghiện, họ cho tôi biết trung tâm đã quá tải từ năm ngoái”. Ồng Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc trung tâm Cai nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai thẳng thắn nói rằng: “Tính đến tháng 10/2016, số lượng học viên tại cơ sở đã gần 1.500 người. Hiện tại, số lượng học viên đã vượt gấp đôi so với năng lực tiếp nhận chỉ từ 600-700 học viên của trung tâm”.
Theo ông Hải, hầu hết học viên được đưa vào trung tâm đều là những đối tượng phức tạp ngoài xã hội. Học viên từng lãnh tiền án, tiền sự chiếm 30%, học viên mắc các chứng bệnh như: HIV, lao, tâm thần,... chiếm tỷ lệ khá cao. Vì vậy, công tác chăm sóc, quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn. Phải quản lý gần 1.500 học viên, nhưng trung tâm chỉ có 110 cán bộ, công nhân viên. Như vậy, trung bình mỗi cán bộ, công nhân viên quản lý 14 học viên, trong khi quy định của bộ LĐ- TB&XH, mỗi cán bộ quản lý 9 học viên. Để đảm bảo hoạt động, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của trung tâm phải làm việc hết công suất, trực 24/24 giờ.
“Số lượng học viên tăng nhanh nên 8 khu nhà ở của học viên đều chật cứng. Các điều kiện sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khu xử lý nước thải sinh hoạt chưa được nâng cấp nên bốc mùi hôi thối. Chưa kể, các học viên được đưa vào trại theo diện bắt buộc, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thuốc, ngáo đá, rối loạn tâm thần... Họ thường gây gổ đánh nhau, đục tường, phá lưới, đánh trả cán bộ để trốn trại. Để khắc phục tình trạng quá tải, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch đầu tư, mở rộng trung tâm. Trước mắt, trung tâm đang tiến hành xây dựng thêm 10 phòng với sức chứa 500 học viên. Hiện, trung tâm thiếu nhân sự, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cần thiết... để kịp thời khống chế, giải tán đám đông”, ông Hải cho biết thêm.
[mecloud]B78d2oGhTR[/mecloud]