(ĐSPL) - Trung Quốc vừa khởi công xây dựng đập nước cao 314 m trên sông Dương Tử với tham vọng biến nó trở thành đập thủy điện cao nhất thế giới vào năm 2022.
Theo AFP, chi phí xây dựng đập Song Giang Khẩu (Shuangjiankou), con đập mới trên phụ lưu sông Dương Tử, sẽ lên tới 36 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 5,8 tỷ USD. Bộ Môi trường Trung Quốc cho hay, khi hoàn thiện, con đập này sẽ cao hơn so với đập cao nhất thế giới hiện tại là Cận Bình 1 khoảng 10m. Dự kiến việc xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Đập Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay tại Trung Quốc (Ảnh: AFP) |
Đây là dự án nằm nằm trong kế hoạch đẩy mạnh khả năng sản xuất điện thủy năng của Trung Quốc, giảm lượng khí thải carbon để hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, 20\% sản lượng điện của Trung Quốc sẽ được sản xuất từ nguyên liệu không hóa thạch (thông qua các nhà máy thủy điện).
Hiện tại, Trung Quốc là quốc gia sở hữu đập thủy điện lớn nhất thế giới - đập Tam Hiệp - và khoảng 85.000 nhà máy thủy điện khác. Hàng triệu người dân đã buộc phải rời bỏ chỗ ở của mình vì những công trình đập lớn như thế này mà không được nhiều tiền bồi thường từ chính phủ.
Ngoài ra, các nhà bảo vệ môi trường cũng lo ngại những con đập sẽ làm xáo trộn cuộc sống của cá và các loài thủy sinh. Tổ chức phi chính phủ International Rivers của Mỹ nhận định: "Cái giá thực sự của thủy điện luôn bị đánh giá thấp, hoặc bỏ qua ở Trung Quốc. Nước này thường không tính đến những chi phí về môi trường và xã hội trong các dự án xây dựng đập của mình”.
Ngân Linh
Video đang được quan tâm:
[mecloud]AuvZFOxyd6 [/mecloud]