Trung Quốc cho biết, thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở nước này đã qua. Ông Gua Yanhong - lãnh đạo bộ phận cấp cứu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, số người nhập viện vì mắc COVID-19 đã lên tới đỉnh điểm vào ngày 5/1/2023 và sau đó giảm dần. Số ca khám ở phòng khám và phòng cấp cứu lên tới đỉnh lần lượt vào 23/12/2022 và 2/1/2023 rồi sau đó cũng giảm.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan, người giám sát các phản ứng của Trung Quốc đối với dịch COVID-19 cho biết hôm 19/1 rằng các đợt bùng phát ở mức tương đối thấp sau khi số bệnh nhân COVID-19 tại các phòng khám, phòng cấp cứu và trong tình trạng nguy kịch đã lên tới đỉnh điểm.
Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết như vậy trước thềm một trong những ngày đi lại đông đúc nhất trên khắp nước này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019. Theo ước tính của Bộ Giao thông Trung Quốc, khoảng 2,1 tỷ chuyến đi sẽ diễn ra trên khắp Trung Quốc từ 7/1 tới 15/2. Hôm nay (20/1), hành khách sẽ lên tàu để về quê hương, đoàn tụ với người thân.
Trước đó, ngày 14/1, Trung Quốc thông báo gần 60.000 người mắc COVID-19 đã chết trong các bệnh viện từ ngày 8/12 đến ngày 12/1. Con số này không bao gồm những người chết tại nhà và một số bác sĩ ở Trung Quốc cho biết, họ không khuyến khích ghi COVID-19 vào giấy chứng tử.
Trước khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019, dịp Tết Nguyên đán được biết đến là đợt di cư hàng năm lớn nhất của con người ở bất kỳ đâu trên hành tinh.
"Công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ căng thẳng, nhưng ánh sáng ở phía trước, kiên trì là chiến thắng", Chủ tịch Tập Cận Bình nói hôm 18/1 trong thông điệp phát trên đài truyền hình nhà nước CCTV.
"Tôi lo lắng nhất về khu vực nông thôn và nông dân. Cơ sở y tế ở khu vực nông thôn tương đối yếu, do đó, công tác phòng chống rất khó khăn", ông Tập Cận Bình nói và nhấn mạnh rằng người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù có lo ngại về làn sóng COVID-19, song việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ phục hồi nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỷ USD đang chịu một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ.
Các nhà máy của Trung Quốc, nơi sản xuất gần 1/3 hàng hóa sản xuất của thế giới, hy vọng sẽ hoạt động bình thường trở lại sau nhiều năm bị gián đoạn vì phòng dịch.
Linh Chi(T/h)