Theo các chuyên gia, Trung Quốc rất khó để có thể đánh chìm được tàu sân bay của Mỹ, ngay cả khi sử dụng những tên lửa đạn đạo chống hạm hiện đại nhất.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN 72) phóng tên lử. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Tháng 12/2018, chuẩn đô đốc La Viện, phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, đã gây tranh cãi khi tuyên bố Bắc Kinh có thể khiến Washington "sợ hãi" bằng cách đánh chìm hai siêu tàu sân bay và làm 10.000 thủy thủ thiệt mạng.
Tuy nhiên, đây dường như chỉ là tuyên bố mang tính gây sốc, do Trung Quốc khó lòng đánh chìm được hàng không mẫu hạm Mỹ ngay cả khi được trang bị các loại tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay", theo Business Insider.
Theo Business Insider, quân đội Mỹ từng thực hiện bài diễn tập đánh chìm tàu sân bay hồi năm 2005. Họ sử dụng tàu USS America đã bị loại biên để thử nghiệm năng lực phòng thủ của tàu. Từ đó, họ sử dụng kết quả thu được để cải tiến hệ thống phòng vệ của các tàu sân bay trong tương lai. Vào thời điểm đó, USS America bị tấn công dồn dập liên tiếp từ hàng loạt các khí tài khác nhau. Sau 4 tuần hứng “mưa hỏa lực”, USS America lúc này mới chìm hẳn.
Đó là một trong những nguyên nhân vì sao tàu sân bay là một trong những niềm tự hào của quân đội Mỹ. Các chuyên gia cho rằng rất khó để Trung Quốc có thể đánh chìm những chiếc tàu nặng 100.000 tấn này.
"Không quá khó để bắn trúng một tàu sân bay. Tuy nhiên, trừ khi đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân, các hàng không mẫu hạm Mỹ có thể chịu đựng thiệt hại rất lớn. Trong trường hợp USS America, chỉ riêng kích thước khổng lồ đã giúp tăng đáng kể khả năng sống sót của nó", đại tá hải quân Talbot Manvel, người tham gia thiết kế siêu tàu sân bay lớp Ford, cho biết.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) di chuyển trên Biển Đông. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Mỗi tàu sân Mỹ bay có nhiều khoang kín nước độc lập, thủy thủ đoàn có nhiệm vụ cách ly chúng nếu tàu trúng đạn ở vị trí dưới mực nước biển. Hàng không mẫu hạm có nhiều khoang tới mức chúng không thể chìm trừ khi nước biển ngập vào phần lớn khu vực trọng yếu.
Ví dụ như các tàu thuộc lớp Nimitz có lượng choán nước tới hơn 100.000 tấn, đây được coi là một trong các tàu chiến lớn nhất trong lịch sử. Nó bao gồm rất nhiều khu vực riêng rẽ bên trong và các quân nhân có thể phong tỏa các bộ phận này khi cần thiết.
Vì kích thước quá lớn, nên để tàu sân bay chìm, nước phải tràn vào một số khu vực nhất định. Trong kịch bản bị trúng hỏa lực, các thủy thủ có thể ngăn không cho nước tràn qua các khu vực khác trên tàu.
Hiện tại, Mỹ sử dụng trên tàu sân bay nhiều lớp thép bảo vệ. Bản thân các lớp thép này đã có khả năng hạn chế hỏa lực xuyên qua và được sắp xếp tạo ra các khoảng trống ở giữa để giảm bớt áp lực khi đầu đạn phát nổ. Các lớp bảo vệ này cũng đồng thời ngăn chặn các rủi ro có thể xảy tới với kho bom và tên lửa trên các tàu sân bay.
Bên cạnh đó, tàu sân bay và các tàu đi kèm hộ vệ được trang bị các radar, sonar và vũ khí nhằm ngăn chặn các tàu tàng hình đối phương áp sát quá gần để tấn công bằng ngư lôi. Ngoài ra, các tàu thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay còn được trang bị thiết bị chống tác chiến điện tử và đánh chặn khí động học để đề phòng tên lửa tấn công. Mặc khác, các tàu này còn sở hữu hàng loạt vũ khí có khả năng tấn công tầm gần khi mối đe dọa áp sát.
Thêm vào đó, Mỹ cũng có trang bị các thiết bị chống lại tàu ngầm, vũ khí có thể được coi là mối đe dọa rất lớn tới tàu sân bay.
Tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: Reuters. |
Hải quân Nga và Trung Quốc hiện đang biên chế nhiều tàu ngầm có khả năng ẩn mình dưới lòng biển, cùng kho vũ khí uy lực được thiết kế để hủy diệt cả nhóm tác chiến tàu sân bay.
Hồi năm 2006, một tàu ngầm diesel - điện lớp Type-039 Trung Quốc đã vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Kitty Hawk, trước khi nổi lên sát chiến hạm này trên Biển Hoa Đông. Sự việc khiến hải quân Mỹ phải đánh giá lại cách đối phó với tàu ngầm Trung Quốc.
Washington hiểu rõ hiểm họa từ tàu ngầm và đầu tư nhiều nguồn lực để đối phó với loại vũ khí này. Các chiến hạm và trực thăng săn ngầm trong nhóm tác chiến tàu sân bay đều được lắp hệ thống định vị thủy âm (sonar) hiện đại, nhằm phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm đối phương trước khi chúng kịp vào tầm bắn.
Ngoài hệ thống phòng thủ sẵn có, tàu sân bay luôn di chuyển với nhóm hộ tống gồm ít nhất một tuần dương hạm lớp Ticonderoga và hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke. "Bạn sẽ phải phóng hàng trăm tên lửa nếu muốn xuyên thủng lá chắn bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng bất khả xâm phạm", Clark nói thêm.
Giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đủ sức phóng 600 tên lửa liên tiếp và gây quá tải lưới phòng thủ của một nhóm tàu sân bay Mỹ. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Trung Quốc, khi họ phải quyết định phóng bao nhiêu tên lửa chỉ để vô hiệu hóa một trong 11 tàu sân bay Mỹ mà không bảo đảm đánh chìm được nó.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan trên Thái Bình Dương cuối năm 2018. Ảnh: US Navy. |
"Hàng không mẫu hạm có thể bị đánh chìm nếu có đủ thời gian, nhưng chúng được trang bị nhiều lớp bảo vệ và thủy thủ đoàn được huấn luyện kỹ càng trong việc kiểm soát thiệt hại. Mỗi tàu có thể hứng chịu hư hại nghiêm trọng, nhưng vẫn đủ sức sống sót rời vùng chiến sự và trở lại chiến đấu sau này",Bryan Clark, chuyên gia thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA), kết luận.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)