Tân Hoa Xã đưa tin, phó kỹ sư trưởng của Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) Zhang Hailian đã tiết lộ kế hoạch sơ bộ về việc đưa phi hành gia lên Mặt Trăng tại Hội nghị thượng đỉnh Hàng không vũ trụ ở thành phố Vũ Hán ngày 12/7.
Theo kế hoạch, sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng dự kiến sẽ diễn ra trước năm 2030 và là một phần của dự án thành lập một trạm nghiên cứu tại đây.
Hai lửa đẩy Trường Chinh-10 sẽ được sử dụng để đưa tàu đổ bộ lên bề mặt của Mặt Trăng và một tàu vũ trụ có người lái khác vào quỹ đạo Mặt Trăng. Sau khi cập bến, các phi hành gia Trung Quốc từ tàu vũ trụ sẽ đi vào tàu đổ bộ.
Nhóm phi hành gia sẽ tiến hành thu thập mẫu vật và khám phá khoa học sau khi hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng bằng tàu đổ bộ. Khi hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đã định sẵn, họ sẽ điều khiển tàu đổ bộ kết nối lại với tàu vũ trụ có người lái đang chờ trên quỹ đạo để trở về Trái Đất.
Để chuẩn bị cho sứ mệnh quan trọng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang bận rộn phát triển tên lửa đẩy Trường Chinh-10 hạng nặng, tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới, tàu đổ bộ Mặt Trăng và mọi thiết bị cần thiết khác.
Kế hoạch trên được kỳ vọng sẽ vượt qua rào cản công nghệ lâu nay của Trung Quốc trong việc phát triển một tên lửa hạng nặng đủ mạnh để đưa cả phi hành gia và tàu thăm dò đổ bộ lên quỹ đạo.
Sứ mệnh Mặt Trăng là bước phát triển mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy chương trình không gian đã chứng kiến một số khoảnh khắc đột phá trong những năm gần đây của Trung Quốc. Sau khi bị loại ra khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), quốc gia này cũng đã dành nhiều năm qua để xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của riêng mình.
ISS dự kiến sẽ kết thúc hoạt động vào năm 2030 – điều này có thể khiến Thiên Cung trở thành trạm vũ trụ duy nhất còn lại. Trung Quốc hiện đang tìm cách mở rộng trạm vũ trụ này để hợp tác với các đối tác quốc tế khác.
Phương Uyên(Theo CNN và Global Times)