Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận bắn đạn thật tại khu vực gần biên giới Ấn Độ giữa tình hình căng thẳng 2 nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng thời Bắc Kinh tuyên bố đã “kiềm chế hết mức” với Ấn Độ.
Theo Abc News, Bắc Kinh đang tăng cường cảnh báo những nhóm quân Ấn Độ nên ra khỏi khu vực tranh chấp ở cao nguyên Himalayas, biên giới giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Phía Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã “kiềm chế hết mức” và tiến hành tập bắn đạn thật ở Tây Tạng.
Các đội quân của Ấn Độ đã tiến vào khu vực Doklam hồi tháng Sáu sau khi đồng minh của Ấn Độ, Bhutan phàn nàn về việc Trung Quốc cho xây dựng con đường bên trong lãnh thổ của Bhutan.
Bắc Kinh cho rằng Dokmar thuộc Tây Tạng và vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với Bhutan không liên quan gì tới Ấn Độ. Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ rút quân trước khi tiến tới đàm phán.
Vài ngày trước, Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng. |
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 4/8 công bố đoạn video ghi lại cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ở Tây Tạng được tiến hành vài ngày trước.
Đoạn video có cảnh tư lệnh đếm ngược và chỉ huy tấn công, một tên lửa bắn thẳng lên trời sau đó.
Cuộc tập trận diễn ra tại độ cao 4.600 m. CCTV không nêu địa điểm chính xác của cuộc diễn tập, song cho biết nó diễn ra ở dãy Himalayas.
Cuộc diễn tập do Lực lượng pháo binh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành. Trong khuôn khổ tập trận, các binh sĩ Trung Quốc thực hiện tấn công nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm xe tăng, bệ phóng tên lửa với đại bác lòng ngắn và pháo hỏa tiễn.
Vào ngày 1/8, truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng đã đăng tải đoạn video ghi lại cuộc tập trận với máy bay không người lái của Trung Quốc.
Cuộc tập trận là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường sức ép lên Ấn Độ, bên cạnh những tuyên bố cứng rắn của bộ Ngoại giao, bộ Quốc phòng cũng như truyền thông nhà nước Trung Quốc trong tuần này.
Rõ ràng Trung Quốc đã không có ý định đàm phán và giải pháp duy nhất là quân đội Ấn Độ phải rút khỏi khu vực tranh chấp, hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho hay.
Căng thẳng giữa biên giới Trung Quốc và Ấn Độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt |
Trong những ngày qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông chống lại Ấn Độ. Hôm 2/8, truyền thông nước này tung ra bức ảnh mô tả chi tiết binh sĩ Ấn Độ đóng quân ở vị trí mà Bắc Kinh gọi là "lãnh thổ của Trung Quốc".
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 3/8 cảnh báo Ấn Độ rằng sự kiềm chế của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biên giới chỉ có giới hạn và yêu cầu New Delhi lập tức rút quân.
Cùng lúc đó, bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định động thái gần đây của New Delhi không phục vụ cho "mục đích hòa bình". "Ấn Độ huy động một lượng lớn binh sĩ, sửa chữa đường bộ, tích trữ hậu cần và chiếm đóng trái phép lãnh thổ của chúng tôi", bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc.
Đáp lại các cáo buộc trên, Ấn Độ cho biết các hoạt động của nước này là thông điệp đáp trả các động thái khiêu khích của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho rằng Ấn Độ lo ngại trước các hành động của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến biên giới Bhutan, Trung Quốc và Ấn Độ cũng như biên giới Ấn Độ- Trung Quốc.
Bà Swaraj cho biết: “Chiến tranh không phải là giải pháp. Chỉ có kiên nhẫn và giải pháp ngoại giao mới có thể giải quyết vấn đề”.
Các chuyên gia ở Ấn Độ cho rằng với việc xây dựng con đường, Trung Quốc có thể tiếp cận dải đất hẹp của Ấn Độ, vốn được gọi là hành lang Siliguri hay cổ gà. Nếu Trung Quốc kiểm soát được dải đất này, Ấn Độ sẽ bị cô lập.
Nếu sự căng thẳng giữa hai nước kéo dài tới tháng Chín, hẳn sẽ dẫn đến nhiều bối rối, trở ngại cho hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) được tổ chức tại Trung Quốc, trong đó sẽ có sự góp mặt của cả hai nước Trung Quốc, Ấn Độ.
Chu Yin, một chuyên gia ở Bắc Kinh cho biết: “Ấn Độ đã sai lầm khi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận hành động của Ấn Độ vì cuộc họp sắp được tổ chức. Nếu Ấn Độ rút quân ngay từ bây giờ, Trung Quốc sẽ cứu vãn khỏi những bối rối.”