Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhimi đã chứng kiến lễ ký kết 15 thỏa thuận vào ngày 16/12, cùng với đại diện từ Trung Quốc là Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina) và Sinotech.
Hãng thông tấn Iraq (NINA) cho biết, Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc sẽ xây 679 trường học và Công ty Sino sẽ xây 321 trường học.
Đây là một phần của dự án quốc gia hướng đến mục tiêu xây dựng 7.000 trường học mới, trong bối cảnh chính phủ Iraq muốn tái thiết hệ thống giáo dục sau nhiều năm chiến tranh.
Theo UNICEF, gần 3,2 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học ở Iraq không được đến trường.
Các thoả thuận được ký 2 tuần sau khi quân đội Mỹ thông báo chính thức kết thúc 18 năm sứ mệnh chiến trường, bắt đầu từ khi lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Khoảng 2.000 binh lính Mỹ sẽ ở lại làm vai trò cố vấn.
Quân đội Mỹ đã rút khỏi Iraq từ năm 2011, song chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đưa quân trở lại vào năm 2014, sau khi lực lượng khủng bố IS chiếm được một dải đất rộng lớn ở Iraq và Syria.
Sau khi thành trì cuối cùng của IS ở Iraq sụp đổ năm 2017, các binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục đóng quân tại đây. Việc rút lực lượng khỏi Iraq phản ánh sự chuyển hướng sang Châu Á - Thái Bình Dương và ưu tiên đối phó với thách thức từ Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong khi đó, South China Morning Post nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh việc can dự vào Trung Đông để lấp đầy khoảng trống quyền lực Mỹ để lại trong những năm gần đây.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Iraq Barham Salih hồi tháng 8, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực tái thiết ở nước này.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc ở Baghdad, Iraq hiện là điểm đến đầu tư của Trung Quốc tại Trung Quốc, chủ yếu trong lĩnh vực dầu mỏ. Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Iraq.
Các công ty Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Iraq, từ cung cấp điện, thông tin liên lạc, đến trường học, cấp nước, sân bay hay đường sắt.
Mộc Miên (Theo SCMP)