Mới đây, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đưa ra lời đe dọa sẽ tấn công Trung Quốc. Vậy Bắc Kinh có hành động gì để đối phó với tình hình này.
Lời đe dọa ‘máu chảy thành sông’
Tổ chức Mỹ chuyên theo dõi các trang mạng Hồi giáo SITE cho biết, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đe dọa nhắm tới các mục tiêu ở Trung Quốc, TTXVN đưa tin.
Theo những phân tích, SITE tiết lộ, hôm 27/2, một nhánh của IS ở phía Tây Iraq đã tung ra một đoạn video dài 30 phút cho thấy mối đe dọa này.
Các phần tử khủng bố IS diễu hành trên đường phố Raqqa, Syria. |
Đoạn video cũng xuất hiện hình ảnh về các tay súng từ nhóm Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc. Trong đoạn video này, một tay súng người Duy Ngô Nhĩ đã tung lời đe dọa Trung Quốc.
Tiến sĩ Michael Clarke, chuyên gia về vấn đề Tân Cương tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia cho rằng, đây có vẻ như là "lời đe dọa trực tiếp đầu tiên" của khủng bố IS tới Trung Quốc.
Tiến sĩ Clarke nói: "Đây là lần đầu tiên các tay súng Duy Ngô Nhĩ tuyên bố trung thành với IS". Ông nói thêm rằng đoạn video này cho thấy Trung Quốc đang là mục tiêu rất chắc chắn của các phần tử cực đoan.
Trước đó, Trung Quốc cũng cáo buộc các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công bạo lực ở khu tự trị Tân Cương, và cảnh báo nguy cơ các tay súng sẽ tham gia mạng lưới các nhóm cực đoan toàn cầu.
Trung Quốc triển khai các kế hoạch
Hiện chính phủ Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai kế hoạch giải quyết và ứng phó toàn diện, đáng chú ý là sự điều động lực lượng vũ trang và thay đổi chính sách định hướng đối phó với khủng bố.
Động thái gây chú ý gần đây nhất chính là Đại hội tuyên thệ chống khủng bố được tổ chức tại khu tự trị Tân Cương. Ngày 27/2, cùng ngày với đoạn video tuyên truyền của IS được đăng tải, hơn 10.000 cảnh sát vũ trang và các trang thiết bị quân sự hiện đại như xe tăng, máy bay đã tập trung tại thủ phủ Urumqi tham gia đại hội.
Hai tuần trước, 3 địa phương thuộc Tân Cương là Hotan, Kashgar và Urumqi cũng đã lần lượt tiến hành những buổi diễn tập chống khủng bố. Động thái này phát đi tín hiệu về tình thế căng thẳng của Tân Cương trong thời điểm hiện tại và tương lai, đồng thời cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Trung Quốc trong việc đối phó với chủ nghĩa chống khủng bố.
Lực lượng vũ trang Trung Quốc tham gia diễn tập chống khủng bố ở Tân Cương. |
Trên thực tế, Trung Quốc từ lâu đã phối hợp cùng các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là thông qua Cơ quan Chống khủng bố khu vực (RATS) của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tuy nhiên, đối với IS, Trung Quốc vẫn chưa có nhiều biện pháp đối phó cụ thể, một phần cũng bởi vì IS chưa phải sự đe dọa trực tiếp đối với Bắc Kinh. Hiện tại, IS chủ yếu tập trung hoạt động chống lại những quốc gia tham gia vào liên minh quân sự quốc tế chống lại tổ chức này ở Iraq và Syria.
Mới chỉ có một vài sự kiện đòi hỏi trách nhiệm của Trung Quốc đối với công tác chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu. Điển hình là vào năm 2015, một công dân Trung Quốc đã bị bắt cóc làm con tin bởi nhóm khủng bố IS và bị giết chết sau đó.
Trung Quốc, với nguyên tắc ngoại giao không can thiệp, không trực tiếp tham gia vào chiến dịch chống khủng bố của các liên minh quốc tế do Mỹ hay Nga dẫn đầu, nhưng Bắc Kinh đã hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Vì vậy, IS có thể đã coi Trung Quốc là kẻ thù.
Các nhóm khủng bố xuyên quốc gia, gồm cả al-Qaeda, trong quá khứ phần lớn đều không chú ý tới Trung Quốc, nhưng sự liên kết giữa những người Duy Ngô Nhĩ và IS rõ ràng đang trở thành một thách thức chưa từng có với Bắc Kinh và khiến các nhà lãnh đạo nước này phải “đau đầu” vì một vấn đề khác mà trước đây họ ít phải suy nghĩ.
Tuy nhiên, có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc không quá ngạc nhiên trước những tuyên bố đầy thách thức của IS khi tổ chức khủng bố này thể hiện tham vọng mở rộng quy mô ra toàn cầu ngày càng rõ rệt. Họ cũng có thể đã lường trước được sự việc thông qua việc gia tăng áp lực đối với khu vực Tân Cương trong thời gian qua.
Có thể thấy, Trung Quốc trở thành mục tiêu của IS cũng không phải là điều khó đoán. Như chuyên gia nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố Max Abrahms đã từng nhận xét trên tờ The Diplomat từ năm 2013, “dấu chân” của Trung Quốc đã in trên nhiều lĩnh vực trên khắp thế giới, và điều đó chính là dấu hiệu cho thấy sớm muộn gì đất nước này cũng trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố.
Khi được hỏi về vấn đề chiến binh Hồi giáo người Duy Ngô Nhĩ trong một cuộc họp báo cuối tuần qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang, nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, lực lượng khủng bố Đông Turkestan mà đại diện là phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, đã đưa quân tới các khu vực xung đột và tăng cường sự liên kết với những nhóm khủng bố quốc tế, tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng với an ninh và ổn định của các nước liên quan và khu vực”.
Khẳng định đó cho thấy Trung Quốc buộc phải nghiêm túc trong công tác tăng cường chống chủ nghĩa khủng bố và sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan tại những khu vực còn nhiều bất ổn ở quốc gia này. Mối hiểm nguy từ các phần tử IS đã hiện hữu rõ ràng hơn với Bắc Kinh.
Tuy vậy, theo nhận định của cây viết Ankit Panda của tờ The Diplomat, khả năng IS phối hợp với các lực lượng chống đối trong nước nhằm tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn ở Trung Quốc ít nhiều sẽ bị hạn chế. Với sự kiểm soát chặt chẽ các luồng thông tin trên mạng internet cùng những biện pháp mạnh tay của chính phủ Trung Quốc, những chiến thuật tấn công thông thường của IS theo kiểu “sói đơn độc” hay khích động những nhóm khủng bố nhỏ sẽ trở nên khó khăn.
Các chuyên gia an ninh nhận định, tình hình ở Cương đang phản ánh vấn đề phổ biến trên toàn Trung Quốc nhưng vì đây là khu vực biên cương, lại có sự tập trung đông các dân tộc thiểu số nên tình thế lại càng cấp bách hơn. Nếu không thể giải quyết tận gốc vấn đề thì cục diện Tân Cương khó lắng dịu, thậm chí các khu vực khác của Trung Quốc cũng có khả năng xuất hiện diễn biến tương tự, gây hậu quả khó lường.
(Tổng hợp)