+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc sắp lĩnh đòn "gậy ông đập lưng ông"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại Biển Đông, Mỹ cũng bắt đầu nóng mắt, chỉ một đốm lửa nhỏ sẽ đủ khả năng biến nơi đây thành cuộc chiến tầm thế giới.

    Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại Biển Đông và Mỹ cũng bắt đầu nóng mắt, chỉ một đốm lửa nhỏ sẽ đủ khả năng biến nơi đây thành cuộc chiến tầm thế giới.
    Trung Quốc giương oai diễu võ tại Biển Đông
    Từ ngày 1/5/2014 cho đến nay, giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vẫn hiện diện tại vùng đặc quyền kinh tế, chủ quyền của Việt Nam. Và sự căng thẳng leo thang từng ngày khi Trung Quốc không ngừng khoe khoang sức mạnh cơ bắp của mình với những lực lượng chấp pháp và dân sự của Việt Nam.
    Cùng nhìn lại Trung Quốc đã sử dụng những chiến thuật gì với lực lượng bán quân sự của họ tại giàn khoan này? Ban đầu, chỉ đơn thuần là cuộc đọ sức giữa tàu hải giám, hải tuần, ngư chính của Trung Quốc với các lực lượng chấp pháp gồm cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. Trung Quốc cậy sức mạnh của các tàu lớn, hung hăng đâm phá, bắn vòi rồng vào tàu của ta.
    Bước tiếp theo, khi họ nghĩ rằng sự tồn tại của giàn khoan Hải Dương 981 là cột mốc trên biển để cướp biển nước khác, thì đáp lại, tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi, mỗi tàu cá là một cột mốc sống, Trung Quốc có một cột mốc tỉ USD, thì Việt Nam có hàng chục cột mốc nhỏ bé nhưng quả cảm.
    Sự hiện diện kiên cường của ngư dân Việt Nam buộc Trung Quốc phải đưa tàu cá của họ đến. Nhưng lúc này, sự khác nhau giữa kẻ ăn cướp và người chủ nhà cũng được bộc lộ. Đã có tàu cá Việt Nam bị đâm chìm, đã có ngư dân Việt Nam tử nạn, và thế giới biết điều này.
    Trung Quốc sắp lĩnh đòn

    Tàu tiếp tế Fuchi lớp 903A của Trung Quốc đang tiến gần đến khu vực giàn khoan

    Trung Quốc thừa hiểu Việt Nam sẽ không nổ súng trước vào cái giàn khoan cồng kềnh như một cái bia ngắm, vậy vì sao họ vẫn đưa lực lượng không quân, hải quân hiện diện tại đây? Chưa dừng ở đó, ngày 7/6/2014, Trung Quốc chuyển thế trận, họ giàn hàng ngang cả trăm tàu các loại, tất cả đều lớn hơn, mạnh hơn Việt Nam, hừng hực khí thế lao vào những con tàu nhỏ bé. Vậy đấy, họ muốn khoe khoang với Việt Nam rằng hãy nhìn vào sức mạnh của chúng tôi, các ngươi liệu chịu được mấy nả? Việt nam vẫn kiên cường.
    Đã có 6 loại tàu quân sự của Trung Quốc xuất hiện, bao gồm: Khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mìn, vận tải độ bộ. Không quân, họ đưa đến tiêm kích, trực thăng tấn công, săn ngầm, máy bay trinh sát...
    Đến lúc này, việc thị uy với Việt Nam chỉ là một phần. Họ muốn cho thế giới thấy khả năng tác chiến đa binh chủng của họ. Đặc biệt trong vùng biển mà Trung Quốc cho là ao nhà, gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, quân đội nước này hoàn toàn có thể tự tin tác chiến dưới mọi hình thức, từ chiến tranh chớp nhoáng cho đến tổng lực.
    Đây là điều Trung Quốc muốn, đe dọa Việt Nam, nắn gân đối phương, cụ thể ở đây là Mỹ và các đồng minh.
    Mỹ đề ra kịch bản chiến tranh dành cho ai? 
    Vừa qua, Lầu Năm Góc đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ một bản báo cáo thường niên mang tên “Sự phát triển an ninh và quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã vẽ ra một kịch bản quân đội Trung Quốc dùng vũ lực tái chiếm Đài Loan – một trong những đồng minh của Mỹ trong khu vực.
    Trong bản báo cáo này, Lầu Năm Góc nói đến 4 kịch bản về cuộc chiến giành lại lãnh thổ này, gồm có: Phương án phong tỏa, Phương án chiến tranh bất đối xứng, Phương án không kích, Phương án xâm lược toàn diện. Có thể thấy rằng, dù mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã có nhiều cải thiện nhờ chính sách ngoại giao mềm mỏng của lãnh đạo vùng lãnh thổ này, đồng thời, cái ô nước Mỹ vẫn còn duy trì được tính đảm bảo của mình. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa một phút nào thôi đề phòng dã tâm và tham vọng của Trung Quốc.
    Trung Quốc sắp lĩnh đòn

    Quân đội Trung Quốc tập trận chiếm đảo

    Điều đáng nói ở đây không phải câu chuyện về Trung Quốc sẽ chiếm Đài Loan như thế nào, mà là việc những kịch bản mà Lầu Năm Góc vẽ ra hoàn toàn có thể phù hợp với bất kỳ quốc gia nào của Đông Nam Á mà Trung Quốc cho là đối thủ, từ Việt Nam, Philippines, Malaysia… - những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
    Thực tế, Đài Loan chỉ là một ví dụ cho dễ hình dung, và nước Mỹ biết đó sẽ là vùng lãnh thổ ít khả năng bị Trung Quốc đụng đến đầu tiên nếu họ phát động chiến tranh. Ví dụ Đài Loan chứng minh cho Trung Quốc và khu vực này thấy rằng Mỹ vẫn đang theo dõi Trung Quốc hằng ngày. Và cũng để Bắc Kinh thấy, Washington bắt đầu nóng mắt khi lời nói của họ đang không được coi trọng.
    Tính chất bắc cầu Mỹ - Nhật – đồng minh thứ ba 
    Tuy nhiên, việc Mỹ tham dự vào các cuộc xung đột (nếu có) ở Đông Nam Á hay Đông Bắc Á là rất ít khả năng, bởi ngay từ khi chuyển trục, quốc gia này đã có nhiều tuyên bố về việc không trực tiếp tham chiến, giúp một nước chống lại nước thứ ba.
    Song Nhật Bản lại đang dần chiếm thế chủ động và đưa Mỹ vào thế bị động và phải xuôi theo người đồng minh này. Điều này thể hiện qua việc Thủ tướng Shinzo Abe đệ trình lên Quốc hội những vấn đề về thay đổi Hiến pháp nước này hồi tháng 5/2014.
    Theo đó có hai điểm cần lưu ý về quốc phòng. Thứ nhất, lực lượng phòng vệ của Nhật Bản sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn, họ sẽ được nới rộng việc sản xuất, buôn bán, sử dụng vũ khí sát thương. Thứ hai, Nhật Bản sẽ cho phép mình tham gia vào các cuộc chiến của đồng minh, dù không liên quan đến mình.
    Đồng minh của Nhật là những ai? Trước mắt là Mỹ, Philippines. Và Nhật Bản hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn thêm những đối tác chiến lược, có thể là Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia… Điều này chắc hắn phải khiến Trung Quốc dè chừng.
    Trung Quốc sắp lĩnh đòn

    Quân đội Nhật Bản có thể sẽ được nâng quyền hạn, có quyền can dự vào cuộc chiến tranh của nước thứ đồng minh thứ ba

    Có thể thấy rằng, Biển Đông đã bị quốc tế hóa hoàn toàn. Vấn đề ở đây không phải do Việt Nam, do Philippines, hay một quốc gia nhỏ bé nào, mà do chính sự ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc.
    Điều đáng chú ý hơn, mâu thuẫn chủ yếu ở đây vẫn là kế hoạch chuyển trục của Mỹ và tham vọng về giấc mơ Trung Hoa của Trung Quốc.
    Nếu không có cái giấc mơ ấy của Trung Quốc, thì chưa chắc Mỹ đã phải chuyển trục gấp rút. Nếu không có sự bênh vực đồng minh của Mỹ, làm sao Nhật có những động thái cứng rắn như thế? Và nếu không có sự đe dọa của Trung Quốc, làm sao Nhật Bản dễ dàng thay đổi Hiến pháp?
    Tất cả những mối quan hệ ấy đều biến Biển Đông thành một thùng thuốc nổ, chỉ một mồi lửa nhỏ đều có thể châm ngòi cho một cuộc chiến mang tầm thế giới.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-sap-linh-don-gay-ong-dap-lung-ong-a36438.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan