Bà Tan Lili, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung tâm Bảo Sơn số 2, Thượng Hải, Trung Quốc đã phải vật lộn với một vấn đề trong những tháng gần đây, đó là trường của cô không có đủ giáo viên dạy thể dục.
“Chúng tôi có 11 giáo viên thể dục toàn thời gian, nhưng có 43 lớp học. Chúng tôi đang thiếu giáo viên thể dục một cách trầm trọng. Nhu cầu về giáo viên thể dục hiện đã tăng lên đáng kể”, bà Tan nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Shanghai TV.
Và bà Tan không đơn độc. Kể từ khi Trung Quốc bắt tay vào một chiến dịch toàn quốc nhằm giảm áp lực học tập lên trẻ em và tăng thời gian hoạt động ngoài trời vào năm 2021, các trường tiểu học và trung học cơ sở trên khắp cả nước đã gặp nhiều khó khăn. Số lượng giáo viên môn thể dục hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu dạy học mới. Thậm chí, tại một trường học, chỉ có hai giáo viên thể dục huấn luyện 2.600 học sinh.
Thầy giáo Sun Dong, Trưởng bộ môn thể dục tại Trường THCS số 101, ngôi trường danh tiếng hàng đầu tại thủ đô Bắc Kinh, cho biết, một số giáo viên thể dục phải dạy 21 lớp một tuần. Theo thầy Dong, trong nhiều năm giáo viên thể dục chỉ đóng một vai trò nhỏ trong hệ thống giáo dục Trung Quốc
Chính sách mới yêu cầu phụ huynh sắp xếp thời gian cho phép con cái giải lao và tập thể dục hợp lý, hạn chế sử dụng Internet.
Một số trường học khuyến khích giáo viên thể dục hướng dẫn phụ huynh cách tổ chức hoạt động thể dục cá nhân cho con cái.
Thể dục là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông ở nhiều tỉnh, thành phố nhưng phụ huynh, học sinh chỉ tập trung chú ý vào các môn như Toán học, Tiếng Trung, Tiếng Anh… để vượt qua các kỳ thi quan trọng. Vì lẽ đó, thể dục hiếm khi được ưu tiên hàng đầu.
Các trường học đang tăng cường tuyển dụng trong những tháng gần đây. Trường học của bà Tan ở Thượng Hải gần đây đã bổ sung 5 huấn luyện viên chuyên nghiệp, từ bóng đá, cầu lông đến đấu kiếm.
Vào cuối tháng 10/2021, một quan chức cấp cao của Tổng cục Thể thao nước này cho biết ông và các đồng nghiệp đang tìm hiểu khả năng cho phép các vận động viên đã nghỉ hưu làm giáo viên thể dục bán thời gian tại các trường học.
Trung Quốc đã có một lịch sử lâu dài về nỗ lực giảm gánh nặng học tập cho học sinh, ban hành chỉ thị đầu tiên vào năm 1955. Trong 20 năm qua, Bắc Kinh liên tục thúc mở rộng chiến dịch “giảm nhẹ gánh nặng” trên toàn quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao không thay đổi, chính sách mới khó đạt hiệu quả.
Ông Li, một nhà quản lý kiểm soát chất lượng ở tỉnh Hà Nam, cho biết bất chấp tất cả các quy định mới, con gái lớp 6 của ông tại trường tiểu học Zhengzhou Ruiding vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Học sinh vẫn phải chịu áp lực rất lớn… Sau giờ học, các em dành phần lớn thời gian cho việc học và làm bài tập, thời gian rảnh rỗi vẫn rất eo hẹp”, ông Li chia sẻ.
Mộc Miên (Theo Guardian)