Các nhà khoa học tại Đại học Kỹ thuật Không quân Trung Quốc đề xuất dùng tia laser khổng lồ phá hủy vệ tinh cũ và các loại rác vũ trụ khác để dọn sạch quỹ đạo Trái Đất.
Rác vũ trụ là những vật thể nhân tạo không còn sử dụng tồn tại ngoài vũ trụ, trong đó có những thiết bị được phóng lên hoặc bỏ lại như tên lửa đẩy hay các vệ tinh không còn hoạt động. Có thể có ít nhất hàng triệu mảnh rác thải nhân tạo đang quay quanh hành tinh của chúng ta. Theo báo cáo năm 2013 của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), ít nhất 20.000 mảnh trong số đó có kích thước lớn hơn một quả bóng mềm.
Theo NASA, những trở ngại lớn như vậy tạo ra mối nguy cho các nhiệm vụ không gian mới trong tương lai. Nguy hiểm hơn là có hàng triệu mảnh nhỏ đến nỗi con người không thể theo dõi được. Các viên chức của NASA cho biết: "Ngay cả những mảnh vụn sơn nhỏ cũng có thể làm hư hỏng một tàu vũ trụ khi lao theo vận tốc 10km/giây. Trên thực tế, một số cửa sổ của tàu con thoi đã từng được thay thế vì những thiệt hại do mảnh rác".
Trung Quốc tính dùng tia laser tiêu hủy rác vũ trụ. Ảnh: DMB |
Ngày nay, có rất nhiều nhiệm vụ không gian cần được tiến hành, đồng thời, lượng rác thải vào không gian mỗi năm cũng tăng mạnh khiến nhu cầu làm sạch không khí bên ngoài Trái Đất ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Các nhà nghiên cứu trước đây đã đề xuất sử dụng nam châm, lưới siêu mỏng và những con dơi khổng lồ để giải quyết vấn đề rác vũ trụ. Làm sao để làm sạch các mảnh vỡ nhỏ nhất trong khi có tới hàng triệu hạt nhỏ hơn 10cm là một câu hỏi phức tạp cần phải trả lời.
Một bài báo mới đăng trên tạp chí Optik - International Journal of Light and Electron Optics, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Không quân Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp: chỉ cần tiêu hủy rác bằng tia laser gắn trên vệ tinh.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều mô phỏng số để xem xét quỹ đạo của mảnh vụn không gian sau khi bị ảnh hưởng bởi bức xạ từ laser. Về cơ bản, ý tưởng là để tác động vào quỹ đạo của nhiều mảnh vỡ, ép chúng đi vào bầu khí quyển của Trái Đất cho đến khi chúng chỉ cách bề mặt khoảng 200 km thì sẽ bị đốt cháy.
Nghiên cứu mới chỉ hợp lý về mặt lý thuyết. Ảnh: Newsweek |
Mặc dù báo cáo này đã tạo ra một cơ sở lý thuyết hợp lý cho việc sử dụng tia laser trên không gian như là một phương tiện hữu hiệu để làm sạch vũ trụ nhưng ý tưởng loại bỏ rác bằng tia laser không phải là mới. Vào năm 2015, các nhà khoa học Nhật Bản đã đề xuất thêm một tia laser quét bám vào mô đun Quan sát Vũ trụ của đất nước trên Trạm vũ trụ Quốc tế, cũng như phát triển một tia laser được gắn trên vệ tinh đặc biệt để loại bỏ các mảnh vụn.
Trung Quốc bị coi là một trong những quốc gia “thủ phạm”, làm gia tăng nhanh chóng lượng rác vũ trụ. Trong năm 2007, một cuộc thử tên lửa vệ tinh chống lại vệ tinh của Trung Quốc đã gây ra những tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử. Vụ việc đã nhả hàng ngàn mảnh rác mới vào quỹ đạo thấp của Trái Đất, một trong số đó đã làm hư hỏng tàu vũ trụ của Nga vào năm 2013.
Ông Nicholas Johnson, một nhà khoa học nghiên cứu rác vũ trụ nhận định:"Bất cứ mảnh vỡ nào trong số này đều có nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng hoặc chấm dứt nhiệm vụ mà các tàu vũ trụ đang thực hiện ở quỹ đạo thấp của Trái Đất".
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Space, Newsweek)