(ĐSPL) - Các tòa án ở Thiên Tân kết án 49 bị cáo với tội danh liên quan tới vụ nổ kho hóa chất, khiến 165 người thiệt mạng hồi năm 2015.
[mecloud]QO6ULnMyeu[/mecloud]
Theo TTXVN, hôm 9/11, các tòa án ở thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc, đã ra phán quyết đối với 49 bị cáo, trong đó có 24 người là quản lý và nhân viên Công ty TNHH Kho vận Quốc tế Thụy Hải và 25 quan chức chính phủ, cùng các tội danh khác nhau dẫn tới các vụ nổ kho hóa chất ở thành phố này hồi năm 2015, làm 165 người thiệt mạng.
Hôm 12/8/2015, một loạt vụ nổ đã xảy ra tại Công ty Thụy Hải ở cảng Thiên Tân, khiến 165 người thiệt mạng, 8 người mất tích và 798 người bị thương. Vụ nổ đồng thời gây hư hại 304 tòa nhà, 12.428 xe ô tô, và 7.533 xe hàng, gây thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới 6,87 tỷ nhân dân tệ (1,01 tỷ USD).
Một lính cứu hỏa đi giữa các phương tiện bị phá hủy trong vụ nổ hôm 12/8 ở Thiên Tân, Trung Quốc. - Ảnh: Reuters. |
Tòa kết luận Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thụy Hải, ông Vu Học Vĩ phạm tội hối lộ các quan chức quản lý cảng bằng tiền mặt và vật chất khác trị giá 157.500 NDT (hơn 23.000 USD), để được cấp phép lưu kho các loại hóa chất nguy hiểm tại cảng.
Bị cáo Vu Học Vĩ bị kết tội lưu kho bất hợp pháp các loại hóa chất độc hại, tiến hành hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, gây ra các sự cố liên quan đến hóa chất độc hại, và hối lộ. Ông Vu bị kết án tử hình và hoãn thi hành trong 2 năm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Thụy Hải, Tổng Quản lý công ty và ba nhân viên công ty bị kết án tù từ 15 năm đến chung thân. 7 nhân viên công ty chịu trách nhiệm trực tiếp về sự cố trên bị kết án từ 3-10 năm tù giam.
11 người khác phụ trách việc đánh giá độ an toàn của công ty này và đã đưa ra các báo cáo an toàn giả mạo cũng bị kết án tù giam. 25 quan chức, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Vận tải thành phố Thiên Tân Vũ Đại bị kết án tù từ 3-7 năm vì xao nhãng nhiệm vụ, lạm dụng quyền lực, và nhận hối lộ.
Theo Vnexpress, phản ứng trước đám cháy phức tạp còn yếu, quá trình huấn luyện nghèo nàn hay thiếu hụt nhân sự là những vấn đề của ngành cứu hỏa Trung Quốc được bộc lộ sau vụ nổ ở Thiên Tân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu giới chức rút kinh nghiệm từ bài học "cực kỳ sâu sắc" của vụ tai nạn này. Ông Tập nói vấn đề an toàn lao động nghiêm trọng đã bị phơi bày sau vụ nổ và lệnh cho các quan chức ghi nhớ "phát triển an toàn" và "lợi ích của người dân là trên hết" để tránh lặp lại thảm họa tương tự.
Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế. 2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị. 3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này. Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. 2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên. 3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau: a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động. 4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
GIA BẢO(Tổng hợp)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]ivlsc2nqZb[/mecloud]