Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà phân tích từ trường Đại học Quốc gia Australia (ANU), nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc sẽ giảm đáng kể vào năm 2025 do các kế hoạch giảm khí thải cacbon của nước này cũng như các chính sách nhằm tăng nguồn cung năng lượng trong nước bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu than.
Các nhà nghiên cứu dự báo, Trung Quốc sẽ giảm mạnh nhập khẩu than, chủ yếu là từ Indonesia và Australia. Nhập khẩu nhiệt điện của Trung Quốc có thể giảm ít nhất 26%, từ 210 megaton xuống 155 megaton mỗi năm, từ năm 2019 đến năm 2025. Nếu Trung Quốc tuân thủ các chính sách khí hậu, nhập khẩu than nhiệt có thể giảm 45%, xuống mức 115 megaton mỗi năm vào năm 2025.
Tiến sĩ Jorrit Gosen, tác giả chính của nghiên cứu và là giảng viên cao cấp tại ANU, cho biết kế hoạch giảm khí thải carbon nhanh chóng và an ninh năng lượng của Trung Quốc báo hiệu sự kết thúc cho lợi ích xuất khẩu than hiện tại của Australia.
“Nghiên cứu của chúng tôi rất rõ ràng. Và điều này sẽ không xảy ra trong tương lai xa, nó sắp xảy ra.”, ông Jorrit Gosen chia sẻ thêm.
Trung Quốc là nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới, tiếp theo là Ấn Độ và Nhật Bản. Theo số liệu của Bloomberg, trong năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu gần 324 triệu tấn than nhiệt, chiếm hơn một nửa lượng than nhập khẩu toàn cầu.
Indonesia và Nga cùng chiếm khoảng 80% lượng than nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2021, với tỷ trọng lần lượt là 62% và 17%.
Dự kiến các nhà xuất khẩu than lớn như Australia và Indonesia sẽ chịu thiệt hại lớn nhất từ những thay đổi này.
“Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia - nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới. Simon Nicholas, nhà phân tích tài chính năng lượng tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA) cho biết.
Nghiên cứu dự đoán rằng nhu cầu của Trung Quốc đối với than nhiệt của Australia sẽ giảm xuống từ 30 đến 40 triệu tấn vào năm 2025, giảm từ 50 triệu tấn vào năm 2019.
Về nhập khẩu than luyện cốc, Australia là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất. Xuất khẩu than luyện cốc của Australia sang Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống từ 20 đến 22 triệu tấn, giảm từ gần 30 triệu tấn vào năm 2019.
Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Frank Jotzo cho hay những thay đổi này sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế Australia cũng như các cuộc tranh luận chính trị về biến đổi khí hậu. Ông chia sẻ: “Những phát hiện của chúng tôi nên được ngành than và chính phủ Australia quan tâm. Nước ta cần thúc đẩy nguồn kinh tế thay thế trong tương lai để các ngành công nghiệp tài nguyên và năng lượng của Úc có cơ hội phát triển thịnh vượng trong một thế giới ít phát thải.”
Trung Quốc là nước phát thải và nhập khẩu than lớn nhất thế giới nhằm sản xuất điện và sản xuất thép. Ngày 22/9/2021, phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố nước này đặt mục tiêu lượng phát thải carbon dioxide ở mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060, nước này cũng sẽ bắt đầu loại bỏ dần việc sử dụng than từ năm 2026.
Tăng cường cung cấp năng lượng trong nước hiện là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc, sau tình trạng thiếu điện ở một số tỉnh vào năm ngoái và sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. Vào tháng 3, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tăng sản lượng than trong nước lên 12 triệu tấn mỗi ngày, cho phép sản lượng hàng năm là 4,38 tỷ tấn.
Trung Quốc cũng đang xây dựng thêm cơ sở hạ tầng giao thông để đưa than từ các mỏ trong nước đến các nhà máy thép và điện nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu than ở nước ngoài.
Trang Lê (Theo SCMP)