(ĐSPL) - Trong bối cảnh Mỹ thực hiện chiến lược "xoay trục" ở châu Á, Bắc Kinh cũng đang tích cực dịch chuyển sự quan tâm về khu vực phía tây dù điều này không hề dễ dàng.
Khi Mỹ điều chỉnh trọng tâm ra khỏi Trung Đông và Afghanistan về châu Á, Bắc Kinh cũng đang tiến hành cuộc dịch chuyển: một đề xuất chiến lược tổng thể dịch chuyển sự quan tâm ra khỏi Đông Á và tái cân bằng ưu tiên địa chiến lược về hướng tây, bao gồm Trung Á, Nam Á và Trung Đông.
Chiến lược này được gọi là "Tây tiến", được Wang Jisi, trưởng khoa Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh và là một trong những nhà tư duy chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc đưa ra từ năm 2012.
Chiến lược "Tây tiến" của Trung Quốc
Theo VOV, Chính phủ Trung Quốc gần đây đã đề xướng khái niệm mới “Con đường tơ lụa mới”, thể hiện chiến lược ngoại giao “Tây tiến-hướng về phía tây” nhằm thực hiện công cuộc cải cách, thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới.
|
Cảnh nước sâu Gwadar ở ngoài khơi Pakistan có vị trí chiến lược với Trung Quốc. |
Trong chuyến thăm 3 nước Nam Á lần này (bắt đầu từ ngày 9/9/2014), ông Tập Cận Bình muốn tạo một vành đai kết nối hợp tác kinh tế với các nước Nam Á, các nước Trung Đông và Trung Quốc. Bởi lẽ Nam Á là thị trường có tiềm năng tiềm ẩn cực lớn với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là năng lượng, trung tâm của con đường xuất khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc, có ý nghĩa đối với việc bảo vệ an ninh khu vực Tây Nam Trung Quốc.
Trung Quốc có mối quan hệ khá tốt với các nước Pakistan, Srilanka và Nepal. Nhưng trong quan hệ với Ấn Độ-nước có số dân đông thứ 2 thế giới lại có những khúc mắc khó giải quyết. Do vậy, mặc dù Trung Quốc đang tham vọng tăng cường chiến lược ngoại giao sang phía Tây, mở ra con đường tơ lụa mới kết nối Trung Quốc với Ấn Độ dương, song theo các chuyên gia phân tích với những hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông thì các nước cũng đang e ngại khi quan hệ kinh tế sẽ biến thành mục đích chính trị của Trung Quốc.
Mưu đồ chính trị gây mất lòng tin
Chiến lược Tây tiến sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích như khai thông con đường tơ lụa mới, phát triển khu Tây vực, đặc biệt khu vực Tây Bắc, Tây Nam nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Nhưng theo các chuyên gia, với tư duy chiến lược này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước láng giềng chứ không đơn thuần như lý luận của Trung Quốc cho rằng sẽ góp phần ổn định quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Cụ thể là với Ấn Độ, Trung Quốc trong một tuyên bố gần đây cho rằng Ấn Độ là “một phần không thể thiếu” trong chiến lược phát triển của mình. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Mumbai Liu Youfa cho biết trong chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 16/9 ông Tập Cận Bình cam kết đầu tư 100 tỷ USD vào Ấn Độ, gấp 3 lần số vốn đầu tư mà Nhật Bản cam kết trong chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Modi mới đây.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) hiện đang có chuyến thăm đến Ấn Độ. |
Đáng lẽ ra Ấn Độ sẽ “tay bắt mặt mừng”, nhưng việc truyền thông Trung Quốc (đúng lúc ông Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Ấn Độ) đưa tin về vụ xâm nhập của khoảng 200 binh lính thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tại khu vực biên giới Trung-Ấn thuộc lãnh thổ của Ấn Độ đã khiến Ấn Độ hôm 16/9 lập tức ra tuyên bố sẽ bảo vệ đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc.
Một lý do nữa khiến Trung Quốc khó có thể nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ khi Trung Quốc đang có những động thái quá khích đơn phương tại khu vực Biển Đông, Hoa Đông lộ rõ ý đồ chính trị nhằm thâu tóm lợi ích không phải của mình thành của mình.
Tuy Trung Quốc đã phát lệnh thực hiện chiến lược “Tây tiến”, nhưng không thể “quay lưng” với bối cảnh quốc tế khi Mỹ, Nhật và nhiều nước khác không ủng hộ việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông, Hoa Đông vừa qua mặc dù Trung Quốc đã cố cho rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ góp phần vào phát triển khu vực và thế giới.
Nhà nghiên cứu Lê Hồng Thọ nhấn mạnh: “Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đang cố gắng dùng lời lẽ ngọt ngào trong đàm phán ngoại giao, với những thông điệp rất êm tai như “hòa bình”, “hữu nghị”, “láng giềng thân thiện” hay gần đây nhất là “Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, nhưng bên trong và hành động thực tế hoàn toàn trái ngược, áp đặt “một chiều” và răn đe thô bạo kiểu Trung Quốc.
Như vậy lòng tin của Trung Quốc đối với các nước láng giềng và các nước trên thế giới đang bị lung lay bởi những mưu đồ chính trị mới của nước này.
Do vậy, Đông tiến và Tây tiến tuy sẽ mang lại những cơ hội và tiềm năng cực lớn cho Trung Quốc, nhưng nước này cũng đối diện với nhiều vấn đề phức tạp và khó khăn. So với hơn 100 năm trước, Trung Quốc hiện nay về tài lực, năng lực quân sự, địa vị quốc tế tuy đã được cải thiện rất nhiều nhưng để thực hiện chiến lược “Tây tiến” sẽ là con đường dài và đầy khó khăn đối với Trung Quốc nếu Trung Quốc không đặt lợi ích cá nhân với lợi ích chung của các nước trên thế giới, tiếp tục thực hiện những toan tính khiến cộng đồng thế giới bất bình.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-dung-truoc-thach-thuc-trong-chien-luoc-tay-tien-a51257.html