Theo The Paper, trong khi giới chức thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) đang truy vết dịch tễ, thì "ổ dịch" bùng phát tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu đã lan ra nhiều tỉnh thành phố khác, bao gồm An Huy, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Quảng Đông, Trùng Khánh, Bắc Kinh.
Đáng chú ý trong đó là sự xuất hiện các ca nhiễm tại thị trấn Trương Gia Giới, một địa điểm du lịch vô cùng thu hút khách tại tỉnh Hồ Nam. 4 ca nhiễm từng đến sân bay Lộc Khẩu đã được phát hiện xem một buổi biểu diễn văn hóa với hơn 2.000 người tham gia ở Trương Gia Giới vào ngày 22/7.
Bắc Kinh hôm 29/7 cũng đã ghi nhận 2 ca nhiễm COVID-19 trở về từ Trương Gia Giới, đánh dấu lần đầu tiên dịch bệnh trở lại thành phố thủ đô của Trung Quốc sau nửa năm.
Không chỉ Bắc Kinh, thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên), thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh), thành phố Thường Đức (tỉnh Hồ Nam) và nhiều nơi khác đều ghi nhận những trường hợp lây nhiễm chưa đến Nam Kinh và dịch tễ của các trường hợp này đều liên quan đến Trương Gia Giới.
Ngày 28/7, văn phòng trụ sở Công tác Phòng chống Dịch bệnh và Kiểm soát Dịch bệnh COVID-19 Trương Gia Giới đã ban hành một thông báo, cảnh báo tất cả khán giả tham dự buổi biểu diễn đầu tiên tại Nhà hát Tương Tây vào tối 22/7 đều "thuộc nhóm có nguy cơ cao".
Đợt dịch lần này tại Trung Quốc khởi phát từ sân bay quốc tế Lộc Khẩu ở thành phố Nam Kinh hôm 20/7, khi một số nhân viên dọn vệ sinh được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 trong một cuộc kiểm tra định kỳ. Tính đến chiều 29/7, tổng cộng 171 ca bệnh được xác nhận tại Nam Kinh.
Theo thống kê chưa đầy đủ của giới chức địa phương, hiện số ca nhiễm và tiếp xúc gần liên quan đến "ổ dịch" sân bay Lộc Khẩu lên tới hơn 200 người trải rộng ở 7 tỉnh và 10 thành phố.
Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, đợt dịch này đã "bộc lộ những sơ hở" trong công tác phòng, chống dịch tại các địa điểm trọng yếu như sân bay, danh lam thắng cảnh, những nơi đang trong mùa cao điểm du lịch khiến "nguy cơ lây lan càng tăng cao".
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đặt nghi vấn rất có thể trong quá trình khử trùng và làm sạch sau mỗi chuyến bay quốc tế đến, nhân viên vệ sinh sân bay đã không bảo vệ mình đúng cách để gây nhiễm trùng, từ đó gây ra sự lây lan hàng loạt trong sân bay.
The Paper bình luận, các cảng biên giới, sân bay quốc tế, nhà ga... đều là địa điểm trọng yếu, nguy cơ xâm nhập virus cao, là ưu tiên hàng đầu của công tác phòng chống dịch. Mặc dù chưa điều tra đầy đủ về chuỗi lây truyền của dịch bệnh nhưng việc "phá hàng rào phòng thủ" ở sân bay là "một kẽ hở rõ ràng".
Chuyên gia Trương Bác Lễ, một viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, nhận định rằng sân bay có thể đã tồn tại những khâu không chính xác trong việc xử lý rác thải, dọn dẹp sân bay, vệ sinh cabin,... đồng thời cho rằng cần có những cuộc điều tra kịp thời và chi tiết hơn để bịt lỗ hổng.
Hôm 27/7, giới chức Nam Kinh đã xác nhận biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 chính là "một phần nguyên nhân khiến đợt dịch lần này lây lan nhanh chóng", đồng thời cảnh báo biến thể này "có tốc độ lây nhiễm mạnh hơn và dễ thích nghi với con người hơn. Bệnh nhân sẽ có tải lượng virus nhiều hơn bệnh tình dễ chuyển biến nặng hơn và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi".
Sự lây nhiễm bất ngờ và lan rộng từ "ổ dịch" ở Nam Kinh đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý của người dân, đặc biệt là sự xuất hiện của các "ca nhiễm đột phá".
"Ca nhiễm đột phá" là chỉ trường hợp những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Điều này khiến người dân Trung Quốc không khỏi lo lằng và bày tỏ sự nghi ngờ với tính hiệu quả của vaccine.
Theo báo cáo, trong số ca nhiễm mới ở Thành Đô, có cả trường hợp người trưởng thành đã tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19.
"Tôi đã tiêm đủ liều vaccine nhưng tại sao vẫn nhiễm bệnh? Vaccine có phải đã thất bại?", bệnh nhân thắc mắc.
Trên thực tế, không có loại vaccine nào có thể đạt được 100% hiệu quả. Tác dụng của vaccine chủ yếu thể hiện ở việc bảo vệ cơ thể người khỏi bị nhiễm virus càng nhiều càng tốt, dù có bị nhiễm virus cũng không gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong.
"Tiêm phòng không có nghĩa là sẽ không bị nhiễm bệnh", Đinh Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao Sức khỏe Thượng Hải, nhấn mạnh.
"Vấn đề này giống như việc tiêm vaccine phòng cảm cúm không có nghĩa là bạn sẽ không bị cúm. Các cá nhân đã tiêm phòng vẫn phải thực hiện các biện pháp bảo vệ. Dưới sự bảo vệ kép, nó có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh", chuyên gia Đinh Nguyên lý giải.
“Vaccine (ngừa COVID-19) vẫn có tác dụng bảo vệ.” Bào Xướng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Giang Tô, khẳng định.
"So với các bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vaccine, những bệnh nhân đã tiêm phòng ít nguy cơ bị nặng hơn, có thời gian từ khi chẩn đoán đến khi sản sinh kháng thể ngắn hơn, giá trị CT cao hơn (nồng độ virus trong cơ thể thấp) và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn", bác sĩ Bào nói.
Kết quá đánh giá tình trạng chung của các ca bệnh gần đầy ở Trung Quốc đều cho thấy tình trạng ổn định, chủ yếu là nhẹ và thông thường, điều này chứng minh hiệu quả bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19.
Tính đến hết ngày 29/7, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 92.975 ca nhiễm COVID-19, tăng 64 ca so với ngày hôm trước (21 ca lấy nhiễm trong cộng đồng). Số trường hợp tử vong hiện tại là 4.636.
Hoa Vũ (Theo The Paper)