Đề xuất thu thuế để kích thích sinh đẻ bị chỉ trích rất dữ dội. Nhiều ý kiến cho rằng nó gợi nhắc lại cách chính phủ Bắc Kinh quản lý dân số thời kỳ chính sách một con.
Trẻ em Trung Quốc. - Ảnh minh họa: SCMP. |
Dư luận Trung Quốc hiện đang "dậy sóng" với đề xuất đánh thuế nhằm kích thích sinh đẻ đối với toàn bộ những người đang trong độ tuổi lao động dưới 40. Số tiền thuế này sẽ được đưa vào quỹ “tái sản xuất” dùng để thưởng cho những gia đình có nhiều hơn một con. Với những người sống độc thân, không có con cái, họ có thể nhận lại số tiền thuế đã đóng nhưng chỉ tới khi đã nghỉ hưu.
Đề xuất trên được 2 học giả Liu Zhibiao và Zhang Ye đến từ trường đại học Nam Kinh viết trong một bài báo đăng tải trên trang Xinhua Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hai học giả Liu Zhibiao và Zhang Ye dự đoán tỷ lệ sinh sẽ giảm đáng kể trong những năm tới mặc dù chính sách một con được chính phủ Trung Quốc áp dụng cách đây 4 thập kỷ đã kết thúc vào năm 2015.
Cụ thể, theo số liệu mà 2 học giả này đưa ra, trong 6 tháng đầu năm, số ca sinh ở Trung Quốc đại lục đã giảm từ 15 đến 20% so với năm 2017. Trong năm 2017, có khoảng 17,58 triệu trẻ em chào đời ở quốc gia đông dân nhất hành tinh, giảm 630.000 trẻ so với năm 2016.
Đề xuất thu thuế để kích thích sinh đẻ trên bị chỉ trích rất dữ dội, cho rằng nó gợi nhắc lại cách chính phủ Bắc Kinh quản lý dân số thời kỳ chính sách một con. Từ khi chính sách ban hành vào năm 1979, các gia đình bị phạt nếu có nhiều hơn một con và phụ nữ có thể bị ép phá thai hoặc triệt sản để đảm bảo dân số Trung Quốc không bùng nổ vào thời điểm bấy giờ.
Hai học giả Liu Zhibiao và Zhang Ye dự đoán tỷ lệ sinh sẽ giảm đáng kể trong những năm tới. -Ảnh: SCMP |
Những ý kiến chỉ trích đều không đánh giá cao cả chính sách cũ và đề xuất mới, lo ngại những hệ lụy về vấn đề quyền con người, theo SCMP.
Ông Huang Rongqing, người đứng đầu Viện dân số và kinh tế tại Đại học kinh doanh và kinh tế vốn Bắc Kinh cho rằng đề xuất này là hết sức vô lý.
"Việc lựa chọn có hay không có con là quyết định của mỗi cá nhân, gia đình. Chúng ta có thể khuyến khích sinh đẻ nhưng không phải bằng cách đánh thuế tất cả mọi người. Điều này là vi phạm nhân quyền, giống như khi chúng ta áp dụng hạn chế dân số. Họ có quyền đưa ra đề xuất, nhưng tôi ngạc nhiên là những người có học vị như vậy lại có thể đưa ra các ý tưởng lập dị đến thế ", ông Huang nói.
Chính dư luận và truyền thông Trung Quốc cũng chỉ trích đề xuất trên. Đài truyền hình CCTV gọi ý tưởng trên là "không phù hợp". Dora Li, bà mẹ một con đến từ Thượng Hải, người không có ý định sinh thêm con thứ 2 nói cô cảm thấy khó chịu với ý tưởng này.
"Nhiều bà mẹ từng phải ra nước ngoài để sinh con thứ 2 vì chính sách một con. Nếu đề xuất này được thông qua, tôi đoán rằng sẽ có nhiều bà mẹ hơn nữa phải rời đi để tránh cảnh phải sinh thêm những đứa trẻ mà họ không mong muốn. Điều kiện giáo dục và y tế chưa được cải thiện, vì vậy tốn quá nhiều chi phí để nuôi thêm một đứa trẻ. Họ chỉ xem xét các chi phí xã hội và tỷ lệ sinh của cả nước mà không để tâm tới hạnh phúc của từng gia đình riêng lẻ", Dora chia sẻ.
NGUYỄN QUỲNH (Theo SCMP)