+Aa-
    Zalo

    Trưng cầu dân ý ở Crimea: Ngòi nổ xung đột?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đề xuất trưng cầu dân ý về hoàn thiện quy chế tự trị và mở rộng quyền hạn của Crimea có thể trở thành ngòi nổ xung đột ở Ukraine.

    Đề xuất trưng cầu dân ý về hoàn thiện quy chế tự trị và mở rộng quyền hạn của Crimea có thể trở thành ngòi nổ xung đột ở Ukraine. 
    Ngòi nổ xung đột
    Tin tức báo chí cho hay ngày 26/2, tại thủ phủ Simferopol-Crimea, đã xảy ra đụng độ giữa các thành viên Cộng đồng Nga nêu chủ trương chống và cư dân Tatars vùng Crimea tán thành thay đổi chính phủ ở Ukraine. Đụng độ xảy ra gần tòa nhà Hội đồng tối cao Crimea.
    Theo đánh giá sơ bộ, đã có tới 20.000 người tham gia vào sự kiện này. Hỗn loạn trước trụ sở nghị viện Crimea phát triển thành xung đột đã dẫn đến cái chết của 3 người, còn 35 người khác bị thương.
    Trưng cầu dân ý ở Crimea: Ngòi nổ xung đột?

    Trưng cầu dân ý ở Crimea: Ngòi nổ xung đột mới ở Ukraine

    Ngày 27/02, thông tin từ Simferopol thông báo về việc những người mặc đồng phục có vũ trang đã thâm nhập và chiếm giữ hai tòa nhà chính phủ trong thành phố là trụ sở Nghị viện và tòa nhà Hội đồng chính quyền Crimea. Trên nóc nhà kéo cao lá cờ Nga.
    Cũng trong ngày 27/02, Đoàn Chủ tịch Nghị viện Crimea đã gửi thông điệp với nội dung trưng cầu dân ý toàn vùng về vấn đề hoàn thiện quy chế tự trị và mở rộng quyền hạn của địa phương.
    Trong thông cáo lưu ý rằng, theo pháp luật cơ bản của nền dân chủ, Đoàn chủ tịch nghị viện Crimea cho rằng con đường duy nhất để ra khỏi tình trạng hiện tại là thi hành nguyên tắc dân chủ trực tiếp của chính quyền nhân dân.
    Cuộc trưng cầu dân ý tiềm ẩn những nhân tố bất ổn rất lớn. Trước hết, Crimea là khu vực có đa số là dân Nga sinh sống, còn người Tatars chiếm tỷ lệ rất ít. Vì vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này sẽ trở thành một phong trào ủng hộ Crimea độc lập, để rồi sau đó ngả về theo Nga.
    Hai là, cuộc trưng cầu dân ý này sẽ khiến cho cộng động người người Tatars lo sợ là bước khởi đầu dẫn đến sự chia tách đất nước Ukraine. Tatars là một nhóm dân tộc Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Crimea trong nhiều thế kỷ qua. Họ từng bị trục xuất dưới thời Liên Xô năm 1944, nhưng sau đó đã quay trở lại sau khi Ukraine giành độc lập.
    Ba là, một “quy chế độc lập quá trớn” hoặc yêu sách đòi độc lập hoặc đòi sáp nhập vào Nga sẽ không bao giờ được chính phủ mới thân phương Tây của Ukraine chấp nhận. Họ không bao giờ cho phép điều này xảy ra. Phe đối lập đã nắm giữ cả quân đội và rất có thể những hành động quân sự sẽ được cho là giải pháp tối ưu.
    Cục diện này làm người ta liên tưởng Ukraine và Crimea hiện nay không khác gì Gruzia và Nam Ossetia trước đây, từ điều kiện địa - chính trị cho đến quân sự, ngoại giao. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “Cuộc chiến tranh 5 ngày” giữa Nga và Gruzia cũng diễn ra trong bối cảnh không phải là giống hệt, nhưng tính chất tương tự như Ukraine và Crimea hiện nay.
    Trưng cầu dân ý ở Crimea: Ngòi nổ xung đột?
    Hạm đội Biển Đen  của Nga  ở căn cứ Sevastopol trên bán đảo Crimea
    Liệu có một “Cuộc chiến tranh 5 ngày” lần thứ 2?
    Crimea là một nước cộng hòa nghị viện tự trị trong thành phần Ukraine, được ước thúc bởi Hiến pháp Crimea và phù hợp với các điều luật của Ukraine. Thủ đô và nơi đặt trụ sở của chính phủ nước cộng hòa là thành phố Simferopol, nằm ở trung tâm của bán đảo. Cộng đồng người chiếm đa số ở đây là người Nga.
    Còn Ossetia nằm bên dãy Caucasus và được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là một nước cộng hòa thuộc Nga, còn tỉnh Nam Ossetia với phần lớn là người Nga, vốn thuộc Gruzia nhưng đã tuyên bố ly khai kể từ cuộc xung đột đầu những năm 1990. Tuy nhiên, nước cộng hòa tự xưng Nam Ossetia chưa được bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao.
    Chính quyền ly khai muốn sát nhập vào Nga, nhưng Gruzia kiên quyết khẳng định đây vẫn là lãnh thổ của họ dù Tbilisi đã mất quyền kiểm soát thực tế khu vực này trong 15 năm và hầu hết dân cư Nam Ossetia có quốc tịch Nga. Theo một thỏa thuận ngưng bắn từ thập niên 90, tại Nam Ossetia có một lực lượng bảo vệ hòa bình gồm quân Nam Ossetia, Nga và Gruzia trú đóng tại đây.
    “Cuộc chiến tranh 5 ngày” nổ ra xuất phát từ những cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa một bên là Gruzia và một bên là các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Cuộc chiến nổ ra vào sáng sớm 7-8-2008, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Gruzia vào khu vực ly khai Nam Ossetia. Ngày hôm sau, quân đội Nga đã tấn công các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi sau đó tiến sâu vào lãnh thổ nước này.
    Điều làm người ta lo ngại là trong cuộc chiến với Gruzia trước đây, Nga cũng đã có những động thái điều chuyển quân và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu quy mô như hiện nay. Khi đó, quân khu Bắc Kavkaz đã liên tục tiến hành những cuộc tập trận, đặc biệt là cuộc diễn tập mang tên "Kavkaz-2008", bắt đầu ngay sau cuộc tập trận liên quân Gruzia-Mỹ vào ngày 16-7 và kết thúc ít ngày trước khi chiến tranh nổ ra, với sự tham gia của 8.000 quân và 700 phương tiện chiến đấu.
    Còn vào ngày 26-2, quân đội Nga cũng đã bắt đầu tiến hành chuỗi các cuộc diễn tập quân sự bất thường, với mục đích “kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội tại 2 quân khu phía Tây và Trung tâm”. Các cuộc diễn tập này sẽ được tổ chức theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ ngày 27 đến ngày 28-2 và giai đoạn 2 từ ngày 28-2 đến ngày 3-3, với sự tham gia của một lực lượng khổng lồ, hơn 150.000 quân thuộc nhiều đơn vị quân đội khác nhau.
    Đây là cuộc diễn tập lớn thứ 2 của Nga, kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Cuộc diễn tập sẽ có sự tham gia của 90 chiếc máy bay, hơn 120 máy bay trực thăng, hơn 880 xe quân sự và 80 tàu chiến. Đặc biệt là Nga còn lực lượng của hạm đội biển Đen (Hắc Hải) thường trực tại căn cứ Sevastopol, chính trên bán đảo Crimea - Ukraine, suốt từ khi nước này tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991.
    Có khá nhiều điểm tương đồng giữa tình hình Ukraine hiện nay với Gruzia trước kia và cuộc trưng cầu dân ý sắp tới của “Đoàn Chủ tịch Nghị viện Crimea”, rất có thể là điểm mấu chốt của việc có hay không phát sinh xung đột. Một kết quả bất lợi cho Kiev là điều có thể đoán trước và phản ứng của Ukraine về vấn đề này có  ý nghĩa quyết định đến những hành động tiếp theo của Nga.
    Hy vọng là thế giới sẽ không phải chứng kiến một “Cuộc chiến tranh 5 ngày” lần thứ 2.
    Theo ANTĐ  
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-cau-dan-y-o-crimea-ngoi-no-xung-dot-a23464.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan