Có thuyết âm mưu cho rằng, Trump-Putin đã lên kịch bản cho cuộc tấn công Syria nhằm xao nhãng đi cáo buộc Tổng thống Donald Trump gần gũi với Nga.
Một thuyết âm mưu mới được đưa ra trong những ngày gần đây bởi kênh MSNBC của Mỹ nói rằng cuộc tấn công tên lửa của Mỹ nhắm vào một căn cứ không quân Syria là quyết định “thông đồng” nhằm làm xao nhãng đi cáo buộc Tổng thống Donald Trump gần gũi với Nga.
Lawrence O'Donnell của kênh MSNBC cho rằng ông Trump và Tổng thống Vladimir Putin có thể đã phối hợp ngay từ đầu để xây dựng kịch bản cho cả thế giới thấy rằng họ đang xung đột nhau.
O'Donnell tuyên bố không lý lẽ nào phản bác được giả thuyết của ông là “không thể xảy ra”.
Quyết định tấn công Syria của ông Trump tiếp tục trở thành đề tài cho những thuyết âm mưu gắn liền với chính phủ Nga. |
Trong khi đó cựu MC của MSNBC, Keith Olbermann, gọi tên lửa của ông Trump chỉ là “đòn đánh ngụy trang” và chỉ trích các phương tiện truyền thông đã “bị mắc lừa”.
"Sẽ thật tuyệt nếu không thể nghi ngờ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạo diễn vụ việc ở Syria”, O'Donnell nói trong chương trình The Last Word.
MC của MSNBC nhấn mạnh rằng, không thể bỏ qua giả thuyết này vì những cáo buộc liên “kết mờ ám” giữa đội ngũ trợ lý của ông Trump với chính phủ Nga.
O'Donnell còn nhắc đến một thuyết âm mưu khác vào năm 1998, khi Tổng thống Bill Clinton lúc bấy giờ cũng sử dụng các đòn tấn công tên lửa nhằm đánh lạc hướng chú ý khỏi vụ bê bối với mình. Tuy nhiên nhân vật này không dẫn ra được chứng cứ hợp lý cho lời võ đoán của mình.
David Brody, một thành viên của đảng Dân chủ cũng đồng tình về điều này khi chia sẻ cảm tưởng trên CBN News rằng ông cảm thấy "thú vị" khi thấy các phương tiện truyền thông không nhìn ra bản chất thật đằng sau tuyên bố cứng rắn của chính quyền Trump với Nga.
Tuy nhiên theo tờ Washington Post, nếu giả thuyết của MSNBC là chính xác và kế hoạch này là do ông Putin dựng lên nhằm xóa bỏ cáo buộc cho ông Trump, thì lẽ ra nhà lãnh đạo Nga đã không phản ứng ra mặt như vậy.
Không chỉ có thế, Moscow còn đáp trả Washington một cách gay gắt bằng việc rút khỏi đường dây nóng ngăn xung đột giữa Nga và Mỹ trong không phận Syria – một trong những thỏa thuận chính trị mà các quan chức Washington rất coi trọng.
Cuộc tấn công Syria chưa hẳn là bi kịch đối với Nga?
Phản ứng của Nga đối với cuộc tấn công của Mỹ ở Syria được giới phân tích mô tả là một động thái có thể đoán trước.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin miêu tả vụ phóng tên lửa là "một cuộc xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền và vi phạm luật pháp quốc tế" – một bình luận lặp lại chính ngôn ngữ mà các chính phủ phương Tây vẫn sử dụng khi đề cập tới sự can thiệp của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, theo Politico.
Cây bút Leonid Ragozin cho rằng đây chưa hẳn đã là một tình huống bi kịch với Điện Kremlin khi Tổng thống Mỹ Donald Trump - người vốn được miêu tả là ngưỡng mộ Tổng thống Putin – tung ra những đòn đánh đầy hiềm khích, mà trên thực tế Moscow đang được lợi hơn là thiệt.
Tổng thống Putin luôn thể hiện xuất sắc khi áp dụng chiến thuật "bên miệng hố chiến tranh". |
Mỹ sa lầy trong một cuộc xung đột quân sự ở một nơi xa xôi luôn là tin tốt với Điện Kremlin. Ragozin cho rằng Mỹ đang “há miệng mắc quai” khi giờ đây Nga đang có một cái cớ hoàn toàn hợp lý để bẻ gãy những luận điệu chỉ trích về cái gọi là Moscow đi xâm lược các nước khác.
“Washington được phép can thiệp vào một cuộc chiến tận phía bên kia quả địa cầu thì tại sao Nga lại bị chỉ trích chỉ vì vấn đề Ukraine?”, Ragozin viết trên Politico.
Trong khi mâu thuẫn giữa hai dòng tư tưởng “chống Mỹ” và “gần gũi với Mỹ” giữa các đảng cánh tả và cánh hữu cực đoan đang lên cao ở nhiều nước châu Âu, Nga chỉ suy nghĩ một cách đơn giản rằng, việc Mỹ lấn sâu vào một cuộc xung đột tranh cãi sẽ chỉ mang lại những tác động có lợi cho nước này.
Moscow hiểu một điều, bất kể người Mỹ làm gì ở Syria - và đặc biệt là nếu nước này khởi động chiến dịch quân sự tại nơi đây - họ sẽ bắt buộc phải phối hợp với Nga – cường quốc đã chiếm thế chủ động trước ở nơi đây.
Do đó, mối đe doạ về xung đột trực tiếp xung giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đã bị loại trừ. Ngược lại, thực tế này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các cuộc đàm phán trong những vấn đề khác biệt Nga-Mỹ trong tương lai.
Nâng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông luôn là mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, do đó Điện Kremlin đang khéo léo dùng điều này để kéo Mỹ ra khỏi Ukraine.
Cây bút Ragozin cho rằng Tổng thống Putin đã tính toán một cách chính xác rằng chắc chắn Mỹ sẽ ưu tiên Syria ở Trung Đông hơn là Ukraine. Nga thậm chí còn hy vọng Mỹ sẽ có xu hướng thỏa hiệp hơn trong vấn đề Crimea cũng như tháo dỡ các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Đây có thể là lý do giải thích cho động thái rút khỏi đường dây nóng ngăn xung đột Nga-Mỹ của Moscow, một phản ứng cố tình thể hiện sự khiêu khích để kéo Mỹ vào sâu hơn cuộc nội chiến ở Syria. Mặc dù có thể lực lượng của Nga ở Syria sẽ phải chịu những rủi ro lớn hơn vì quyết định này.
Ragozin chỉ ra rằng, kéo Mỹ vào một cuộc xung đột khác trong khu vực là một viễn cảnh mà Điện Kremlin luôn mong đợi, bởi Tổng thống Putin hiểu rằng ông đủ khả năng và kinh nghiệm để điều phối những diễn biến khi Mỹ sa lầy.
“Tổng thống Putin luôn xuất sắc khi áp dụng nghệ thuật ‘bên miệng hố chiến tranh’ - cố đưa xung đột lên đến đỉnh điểm để thuyết phục đối thủ phải rút lui”, cây bút của tờ Politico mô tả.
Người Nga luôn có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó trước sự đe dọa từ bên ngoài. Đó là một khả năng mà Tổng thống Putin đã sử dụng thành thạo từ những ngày đầu tiên. Do đó phản ứng của ông đối với cuộc không kích của Trump đều có sự tính toán.
Quốc Vinh