Tổng thống Donald Trump đã đăng tải nhiều dòng trạng thái trên Twitter cá nhân sau khi Thẩm phán liên bang ra phán quyết với quy mô toàn quốc chặn sắc lệnh cấm người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ.
Hôm 5/2, trên Twitter cá nhân, ông Trump đã có những phản ứng bày tỏ sự không hài lòng trước quyết định của thẩm phán liên bang James Robart ở thành phố Seattle, bang Washington dừng lệnh cấm nhập cư của ông.
Thẩm phán James Robart, người ra phán quyết dừng lệnh cấm nhập cư của ông Trump. (Ảnh:ST) |
Trong thời gian tại Florida, ông đã viết trên trang Twitter: “Không thế tin được rằng, một thẩm phán lại có thể đẩy đất nước vào tình cảnh khó khăn như vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra, mọi trách nhiệm đều là do ông ta và hệ thống tòa án. Dân nhập cư sẽ ồ ạt tiến vào nước Mỹ. Thật tồi tệ”.
Ngay sau đó, ông cũng đăng tải thêm dòng trạng thái thứ hai: “Tôi đã yêu cầu Bộ An ninh kiểm tra những người nhập cảnh vào Mỹ thật gắt gao. Tuy nhiên, tòa án lại đang khiến công việc này trở nên khó khăn hơn”.
|
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án liên bang, yêu cầu hủy bỏ lệnh của thẩm phán James. Tuy nhiên, Tòa án Mỹ đã bác bỏ yêu cầu phục hồi sắc lệnh cấm nhập cư.
Ông Trump hiện đang có chuyến nghỉ ngơi tại West Palm Beach. Trước đó, báo chí yêu cầu ông đưa ra phản ứng về hành động của thẩm phán Robart nhưng ông không trả lời ngay.
Hôm 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh về di trú gây tranh cãi. Theo đó, Mỹ dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump nói rằng, sắc lệnh này là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ. Trong vòng 1 tuần kể từ khi ban hành sắc lệnh, Mỹ đã thu hồi khoảng 60.000 thị thực.
Sắc lệnh đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và các nhóm nhân quyền, hàng triệu người dân Mỹ đã biểu tình để phản đối sắc lệnh này của ông Trump. Và đã có ít nhất 7 bang đệ đơn kiện, cho rằng sắc lệnh là vi hiến.
(Theo Daily Mail)