Ít ai ngờ rằng, nhờ vẻ mặt bặm trợn, tóc dài quá vai, thân hình gầy quắt mà ông “Trùm phu mộ” Ba Son từng được giới thiệu đóng phim và có cơ hội diễn xuất cùng “nữ hoàng điện ảnh Việt” một thời - Diễm Hương.
Nhắc đến cái tên Ba Son thì hầu hết những thân nhân có con, cháu bị hành quyết tại trường bắn Long Bình (Q.Thủ Đức, TP. HCM) và cả dân ở những quận lân cận có lẽ đều biết tường tận. Từ lâu, Ba Son được gọi bằng cái tên đậm chất giang hồ “trùm phu mộ Sài Gòn”.
Quãng đời chìm nổi của “Trùm phu mộ” đa tình
Lần đầu đối diện, vẻ ngoài rám nắng, ngang tàng của Ba Son (tên thật là Lữ Vân Sơn, quê gốc ở Bến Tre) cũng đủ gợi cho người khác những ấn tượng về một người đàn ông đã trải qua vô số những thăng trầm của cuộc đời. Xuất thân trong một gia đình khá giả, Ba Son có đầy đủ điều kiện ăn học. Thế nhưng, khi nghiệp đèn sách còn dở dang, bản tính hiếu thắng, ưa võ thuật đã khiến ông quyết định rẽ ngang.
Những năm 1970, khi đã dành toàn bộ thời gian cho nghiệp võ, Ba Son nổi lên như một tên tuổi lừng lẫy khắp các võ đường Sài Gòn. Ngày đó, dù thân hình nhỏ thó, nhưng những cú đấm như trời giáng, hay cú ra chân phản đòn chớp nhoáng của ông mỗi khi thượng đài đã trở thành một “thương hiệu”, đến giờ vẫn được lưu truyền.
Gây dựng được chút tiếng tăm trong giới, Ba Son không ngần ngại bày tỏ cá tính phong lưu, yêu thích phụ nữ đẹp của mình. Cũng vì cá tính này, mà ông “cố đấm ăn xôi” xin vào học bằng được lớp võ taekwondo của một thầy giáo Hàn Quốc, người vốn là giáo viên một trường đào tạo các nữ sinh quân nhân thời bấy giờ.
Ba Son kể: “Cứ mỗi lần nghỉ giải lao giữa buổi tập, đám thanh niên trai tráng trong lớp taekwondo lại tụ tập so găng để lấy lòng những người đẹp”.
“Trùm phu mộ” nhớ lại khi kết thúc khóa học võ, ông đột ngột nhận được lệnh bắt nhập ngũ của chế độ cũ. Vào lính chưa đầy 3 tháng, ông bị thương nên được chuyển về hậu phương điều trị. Lợi dụng sơ hở, Ba Son đánh liều đào ngũ, theo cha bỏ về quê làm lại cuộc đời.
Ngày đất nước thống nhất, một lần nữa ông gia nhập quân ngũ, nhưng lần này là theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để vào chiến trường chống lại tập đoàn diệt chủng Khơ – Me đỏ. Xuất ngũ trở về, Ba Son ngỡ ngàng khi chứng kiến Sài Gòn thay đổi quá nhiều, với đủ thứ tệ nạn xuất hiện, buộc ông phải thích ứng. Không vốn liếng, không bằng cấp, ông bắt đầu lang thang kiếm sống với đủ thứ nghề “trên trời dưới biển”, từ xe ôm, cửu vạn, cho đến mở lớp dạy võ tại gia.
Chẳng hiểu duyên số đưa đẩy thế nào, một gã lao động quèn như Ba Son lại đột nhiên cưới được một cô vợ đẹp có tiếng trong vùng lúc bấy giờ, Lê Lan - làm nghề bán trái cây ở bến xe Tân Bình. Tháng năm trôi qua, hai người có với nhau 4 mặt con, 7 cháu nội ngoại… Ba Son chấp nhận lùi về ở ẩn, sống cuộc đời đạm bạc bằng nghề phu mộ bên khu trường bắn Long Bình, Quận 9.
Quãng thời gian huy hoàng của ông "trùm phu mộ" một thời
Những năm 1990, khi Ba Son vẫn đang là ông “trùm” phu mộ khét tiếng ở trường bắn Long Bình thì có đoàn làm phim về gần khu vực thực hiện cảnh quay. Lúc đó, đạo diễn cần một số người đóng vai nhân vật phản diện, khuôn mặt phải dữ dằn, đậm chất giang hồ. Chỉ với yêu cầu đó, Ba Son bất ngờ bén duyên điện ảnh.
Ông kể lại: “Tình cờ đến phim trường, tôi bất ngờ gặp lại người quen là diễn viên Lý Hùng, bởi trước đó tôi từng học võ tại võ đường của bà Võ Lý Hoàng Yến, em gái ruột của đạo diễn Lý Huỳnh (cha của Lý Hùng). Nghe nói bộ phim cần nhân vật phản diện, chính Hùng đã đứng ra giới thiệu tôi với chủ nhiệm đoàn phim”.
Có một điều chính Ba Son cũng không ngờ, sau lần “bén duyên” đó, ông liên tục nhận được lời mời từ những nhà sản xuất, đạo diễn của các đoàn làm phim khác. Nhiều năm lăn lộn cùng môn nghệ thuật thứ bảy, những bộ phim ông tham gia đều trở thành tác phẩm nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam như Phạm Công Cúc Hoa, Dòng Đời, Chúc đào kim quy, Nữ đặc nhiệm…
Ba Son tâm sự: “Hầu hết vai diễn của tôi đều là nhân vật quần chúng, xuất hiện chỉ vài cảnh hoặc phân đoạn ngắn, số tiền cát-sê cũng ít ỏi. Nhưng với tôi, chừng ấy cũng đủ mãn nguyện rồi”.
Bức ảnh chụp với nữ diễn viên Diễm Hương khi đóng phim “Nữ đặc nhiệm”. |
Nhớ lại những ngày tháng huy hoàng ấy, “trùm phu mộ” bảo ông còn nhớ mãi kỷ niệm về bức hình chụp chung với “nữ hoàng điện ảnh” hồi đó-nữ diễn viên Diễm Hương.
“Đó là bối cảnh tôi tham gia đóng vai sĩ quan ngụy trong bộ phim “Nữ đặc nhiệm” tại thành phố Đà Lạt, còn Diễm Hương đóng vai nữ y sĩ. Có lẽ, cô ấy là một trong những diễn viên có nét đẹp thanh tú, phúc hậu nhất mà tôi từng thấy.
Trong lúc đoàn làm phim đang nghỉ trưa, giữa cảnh vật núi rừng nên thơ của Đà Lạt, tôi và cô ấy đã chụp một bức ảnh thật “tình tứ”. Đến nỗi khi mang theo tấm hình trở về nhà, chưa kịp khoe, bà xã tôi đã giật ngay lấy rồi vò đến nhàu nát. Cơn ghen chưa dứt, bà ấy còn “cảnh cáo” tôi không được đi đóng phim ở xa nữa. Có lẽ, Lê Lan sợ bản tính đào hoa của tôi lại trỗi dậy trước các cô diễn viên xinh đẹp”.
Sau cơn ghen “long trời lở đất” ấy, Ba Son dần đóng phim ít đi, trước khi rời bỏ hẳn con đường nghệ thuật để trở lại với nghề phu mộ linh thiêng nhưng đầy bạc bẽo.
Năm 2007, sự ra đi của vợ ông đã để lại cho Ba Son nỗi buồn sâu thẳm. Từng bôn ba ngang dọc, nổi tiếng phong lưu đa tình, nhưng lúc xế chiều, mối tình ghi khắc cả cuộc đời lại khiến Ba Son không nguôi thương nhớ.
Ba Son tại căn nhà xập xệ của mình. |
Giờ đây, khi không còn trường bắn, không còn những tháng ngày cuốc xẻng đào xác tử tù, hàng ngày trên con hẻm nhỏ, người ta vẫn thấy Ba Son “vang bóng một thời” chở những can dầu nhớt đen nhẫy sau yên chiếc Custom cũ nát đi tiếp thị với các tài xế xe tải. Cuộc đời gian truân của phu mộ “khét tiếng” bây giờ tiếp tục là những chuyến đi dài, những ngả đường của số phận chìm nổi không bao giờ có hồi kết.
Cuộc đời chìm nổi không hồi kết Kể từ năm 1976, toàn bộ tử tù trên địa bàn TP. HCM đều được đưa về trường bắn Long Bình, Quận 9 để thi hành án. Cũng từ đó, hình thành nhóm “phu” trường bắn chuyên làm nghề chôn xác tử tù, bốc mộ thuê. Trong đó, Ba Son (tên thật là Lữ Vân Sơn, quê gốc ở tỉnh Bến Tre, hiện cư ngụ tại phường Tân Phú, Quận 9, TP. HCM), được người dân biết đến với vai trò là “trùm phu mộ”. |