(ĐSPL) - Súng đã trở thành thứ vũ khí nguy hiểm gần như là không thể thiếu trong tay những kẻ buôn bán ma túy. Liên tiếp các vụ việc gần đây, cơ quan công an triệt phá tội phạm ma túy, súng luôn được những tên tội phạm này sử dụng như những vật bất ly thân để chống lại lực lượng chức năng.
Kho súng "khủng" và đối tượng Nguyễn Văn Hải. |
Nhận diện "quyền lực" súng và ma tuý
Sau khi lang thang ở Móng Cái (Quảng Ninh), tôi gặp lại Phụng "gút". Chúng tôi vẫn ngỏ ý muốn mua một khẩu súng để "làm hàng", lần này, Phụng tỏ vẻ thờ ơ: "Các chú còn trẻ, đua đòi với "súng ống" làm cái gì. "Dính" đến cái lạnh sắc của súng đạn là cạn nghĩa, cạn tình lắm. Đời anh nó gắn với "cái nghiệp vùng biên" này rồi. Bây giờ, anh em thân tình, anh mới giúp, chứ vài khẩu súng bõ bèn gì, lãi thì anh không cần, các chú vui thì anh em mình làm bữa nhậu. Buôn bán "hàng nóng" bây giờ dễ "nhập kho" lắm. Với lại bọn bên kia biên giới chỉ tin và giao hàng cho anh, còn anh em trên bến không giao dịch được". Sau những lời gan ruột, Phụng lại trút cốc rượu vào cổ họng mà nuốt chửng, chính bản thân hắn lúc này đang quên mất mình bị bệnh gút nặng.
Việc Phụng gạt phăng ý định mua súng của chúng tôi, theo Công "mặt ma", đều có lý do cả. Phụng "gút" không còn hứng thú với những kiểu "giang hồ cạn" vác súng đi dọa người mà giờ đây chỉ muốn "xách súng" cho những "người làm ăn lớn". Bởi, vớ được khách hàng đó, Phụng mới kiếm chác được, còn những hạng "tép riu" như chúng tôi, khó có cơ sở sử dụng hàng "xịn". Cũng theo Công bật mí, Phụng "gút" có thể chuyển hướng lên Sơn La. Mảnh đất đó có vẻ màu mỡ với các loại "hàng nóng" này, bởi đây được xem là một điểm nóng về tội phạm ma tuý. Thực tế "súng ống" mà kết hợp với ma túy thì bọn tội phạm này sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm và Công cũng khẳng định đó chính là... "quyền lực ngầm" mới của dân giang hồ.
Công giải thích, đa phần những kẻ buôn ma túy là những kẻ tự đặt mình ngoài vòng pháp luật. Với mặt hàng "siêu lợi nhuận" nhưng cũng thuộc hạng "siêu kim tiêm" (dễ bị tử hình - PV) nên dân buôn sẵn sàng chết cùng hàng. Nếu trước kia, nhiều dân buôn hay "cửu vạn ma túy" tìm cách phi tang tang vật để chối tội thì nay theo những "luật" đặc biệt của giới giang hồ việc đảm bảo hàng được đặt lên hàng đầu. Nếu một kẻ làm cửu vạn ma túy làm "mất hàng", có tránh được sự trừng phạt của pháp luật thì cũng khó thoát được sự trừng phạt của các tay anh chị. "Luật trừng phạt" đó không ai biết rõ nhưng theo Công, nó thuộc loại: "Thà chết còn hơn". Có lẽ, chính vì vậy nên từ cửu vạn ma túy đến các "ông trùm", kẻ nào cũng trang bị cho mình "hàng nóng" để sẵn sàng chống lại các lực lượng chức năng. Và đó cũng là lý do nhiều kẻ "lái súng" hiện nay tìm cách liên lạc với các "ông trùm ma túy" để cung cấp nguồn hàng.
Những cuộc bành trướng và tàn lụi
Sự nguy hiểm của ma túy, bất kể nó là loại nào, từ "cần - ke - kẹo" đến "ma túy đá"... chúng đều hết sức nguy hiểm với cộng đồng và xã hội. Và, càng nguy hiểm hơn, khi món hàng này lọt vào tay của những kẻ được "trang bị" các loại "súng ống". Trong thế giới ngầm của tội phạm, việc kinh doanh ma túy gắn liền với "súng ống" đã trở thành câu chuyện mặc định rằng, nó phải thế, thì ở Việt Nam, sự phổ biến của súng trong thế giới ngầm cũng đồng nghĩa với việc, súng gắn liền với tội phạm buôn ma túy trở thành tất yếu.
Video tham khảo:
Rùng mình trước "hàng nóng" của băng đảng Nhật “khùng”
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ chuyên "đánh án" ma túy nhiều năm trên vùng Sơn La, cho biết, trung bình mỗi năm Công an tỉnh Sơn La bắt giữ trên dưới 800 vụ án ma tuý với khoảng 1.500 đối tượng. Hầu hết, số ma túy mà các đối tượng tuồn vào Việt Nam đều có nguồn gốc từ khu vực "tam giác vàng" Myanmar - Lào - Thái Lan. Nếu tính từ biên giới sang đến "thủ phủ" của ma túy chỉ mất khoảng 500 - 700km. Do đó, đây còn được xem là địa bàn trung chuyển ma tuý đi nhiều nơi khác. Ngày càng nguy hiểm hơn khi các vụ việc gần đây, các đối tượng đều sẵn sàng sử dụng vũ khí chống lại lực lượng chức năng. Điển hình như vụ việc diễn ra vào ngày 19/7 mới đây, các chiến sỹ Công an Sơn La đã phải đấu súng với tội phạm có vũ khí được tổ chức thành băng nhóm như băng nhóm mafia.
Cùng với đó, các sự việc mới đây mà cơ quan công an bắt giữ tội phạm liên quan đến ma túy, bọn chúng đều được trang bị những kho súng khủng. Điển hình là gần đây, việc triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia mà đối tượng Nguyễn Văn Hải (SN 1976, trú tại phường Cẩm Phú, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Lúc đầu, Hải chỉ dám "xách" ma tuý thuê cho các "ông trùm" khác qua đường mòn biên giới, là cửu vạn, sống lang thang, vạ vật nơi cửa khẩu. Sau đó, Hải bị Công an Trung Quốc bắt trong một đường dây ma tuý xuyên quốc gia và bị cơ quan chức năng nước này xử phạt 7 năm tù. Ra trại, trở về Việt Nam, Hải tiếp tục "ngựa quen đường cũ" và lần này, để thực sự "lấy số", Hải đã tự tậu cho mình một kho súng khủng bao gồm cả AK, súng Shots gun và hàng loạt các loại súng ngắn, súng quân dụng khác, tất cả đều là hàng "xịn". Khi khám xét nơi ở của Hải, ban chuyên án đã thu giữ thêm 7 khẩu súng, trong đó có 1 khẩu súng AK, 4 khẩu súng bắn đạn ghém, 1 khẩu súng ngắn dạng RG88PTB, 1 khẩu súng dạng colt xoay tự chế, 171 viên đạn ngoài khẩu súng đã lên nòng mà Hải giữ trong người. Cùng với "kho súng" đó, Hải tỏ ra rất manh động và có thể tự "bành trướng" tạo thành một thế lực dạng như "mafia ma túy" vùng biên.
Tội phạm ma túy khi đã coi việc buôn là việc bất chấp cả mạng sống. Vụ bắt giữ Sơn "liệu" (tức Vũ Hồng Sơn, 37 tuổi, quê Nam Định) một trong những gã trùm ma túy chuyên đánh "hàng" vào TP. Hồ Chí Minh có thể coi như điển hình của giới tội phạm ma túy Việt Nam hiện tại. Sơn mãn hạn tù năm 2013, sau 20 năm thụ án, không hoàn lương mà tiếp tục dấn thân vào con đường buôn bán "cái chết trắng". Với quan niệm, "bước vào nghề này nếu bị bắt, chắc chắn "dựa cột" (tử hình - PV)" nên Sơn "liệu" tỏ ra liều lĩnh và hết sức manh động.
Sơn "liệu" và đồng bọn. |
Ban đầu, Sơn sang Campuchia chi 3.000 USD, mua 1 khẩu súng và vài chục viên đạn để "phòng thân". Sợ súng hoạt động không ổn định, Sơn "liệu" còn cẩn thận đến mức thử 10 lần nổ súng, thấy thành công thì mới mua. Từ đó "ông trùm" này luôn mang "hàng nóng" bên mình. Đến khi bị bắt, "trùm" buôn bán ma tuý Sơn "liệu" còn khẳng định chắc nịch: "Bước vào "nghề" này, bị bắt, chắc chắn phải "dựa cột". Các anh chậm một chút, tôi kịp nổ súng, có 1 đến 2 anh đã phải hy sinh".
Lời khai lạnh lùng này của Sơn "liệu" gần như trở thành "tuyên ngôn" của giới buôn "hàng trắng". Thế nhưng, như một quy luật của cuộc sống, những kẻ này sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng.
Kết cục bi thảm Còn nhiều dẫn chứng khác nữa, khẳng định chuyện súng và giang hồ, "ông trùm" ma tuý có quan hệ mật thiết trong suy nghĩ, đời sống và hành vi vi phạm pháp luật. Thế nhưng, tất cả các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với các tay "anh chị máu mặt", họ đều khẳng định, cá nhân mà sở hữu súng rất bất ổn, đều có những cái kết mang tên trừng phạt. Nếu súng đi cùng với "hàng trắng" thì kết cục còn bi thảm hơn. Và, sự bi thảm này là do "ông trùm" và giang hồ tự chuốc lấy chứ không ai bắt họ phải làm thế. Vậy mới có chuyện "nguồn súng" cứ chảy, người cứ sở hữu, kết cục bi thảm đương nhiên xảy ra. Bắt gọn đường dây ma túy do Sơn "liệu" cầm đầu Ngày 10/7/2014, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã bắt 6 đối tượng trong đường dây buôn bán hơn 40 bánh heroin khắp Sài Gòn để điều tra, xử lý về hành vi tàng trữ và buôn bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng bị công an tạm giữ gồm: Vũ Hồng Sơn (tự Sơn "liệu", 37 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Đỗ Duy Khanh (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), Lê Thị Kim ánh (tự Chín, 32 tuổi, ngụ quận 4), Nguyễn Thùy Bích Trâm (tự Bảy, 29 tuổi, ngụ quận 8), Trần Thị Lương (tự Yến, 44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) và Nguyễn Huỳnh Đông Châu (tự Ni, 35 tuổi, ngụ quận 5). |