+Aa-
    Zalo

    "Trùm cuối" đường dây làm giả 121 con dấu sa lưới vì... 100.000 đồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi "xưng hùng, xưng bá" với 121 con dấu giả, "trùm cuối" này sa lưới vì phi vụ nhận... 100.000 đồng.

    Một quy trình khép kín và thổi giá qua từng mắt xích về làm giả con dấu tài liệu vừa được cơ quan công an triệt phá. Trong đó, kẻ vất vả nhất, tự tay đạo diễn các tài liệu giả lại nhận thù lao ít ỏi nhất. Sau khi "xưng hùng, xưng bá" với 121 con dấu giả, "trùm cuối" này sa lưới vì phi vụ nhận... 100.000 đồng.

    Hai đối tượng Trinh và Pháp.

    Từ chữ ký giả của vị Phó Chủ tịch phường

    Ngày 6/9, Trung tá Trần Văn Tuấn, Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự Công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa triệt xóa một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

    Bước đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Trần Đình Pháp, SN 1993, trú quận Cẩm Lệ và Trần Ngọc Trinh, SN 1964, trú quận Hải Châu, cùng TP. Đà Nẵng về hành vi trên. Riêng một đối tượng khác là Mai Tài, SN 1991, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, công an đang củng cố hồ sơ làm rõ hành vi.

    Cuối tháng 5/2020, ông Đoàn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê phát hiện một tài liệu “Giấy xác nhận tình trạng kinh doanh” của Nguyễn Thị Thu H., SN 1987, trú địa phương có nhiều nghi vấn lạ. Trước đó, H. có nộp đơn xin cấp giấy này nhưng không đủ điều kiện nên UBND phường Thanh Khê Tây chưa xác nhận. Vậy mà không rõ từ đâu, người dân này lại có trong tay bản xác nhận cùng chữ ký của vị Phó Chủ tịch phường Đoàn Văn Giang. Nghi vấn bản giấy trên là giả mạo, ông Giang đã báo cáo lên công an.

    Giải trình về “Giấy xác nhận tình trạng kinh doanh” của mình, H. cho cơ quan chức năng biết đã nhờ dịch vụ làm thay. Người phụ nữ này cũng tá hỏa khi biết rằng văn bản mình cầm trên tay là giả mạo.

    Chị kể rằng, sau khi tự đi xin giấy để vay tiền nhưng không được, H. được người quen giới thiệu một người tên Trần Đình Pháp ở TP. Đà Nẵng. Pháp là đối tượng chuyên làm các dịch vụ giấy tờ. Hắn nói rằng có “mối quen” để làm được giấy xác nhận với giá 2 triệu đồng.

    Sau vài ngày giao tiền, quả thực H. nhận lại thứ mình cần với đầy đủ chữ ký, con dấu của UBND phường Thanh Khê Tây. Quá vui mừng, người phụ nữ này đã nộp hồ sơ để vay vốn ngân hàng.

    Trước những thông tin khai báo của H., ban Chỉ huy Công an quận Thanh Khê nghi vấn về tổ chức, đường dây làm giả con dấu, tài liệu đang tồn tại trên địa bàn nên chỉ đạo lực lượng hình sự vào cuộc truy xét. Củng cố chứng cứ, cơ quan Cảnh sát điều tra đã lập chuyên án đấu tranh với băng nhóm này.

    "Trùm cuối" và những bi hài

    Đối tượng Trần Đình Pháp – mắt xích quan trọng trong vụ án nhanh chóng bị bắt giữ. Hắn khai rằng, sau khi nhận 2 triệu đồng của chị H., đối tượng nhắn tin cho “mối quen” trên Zalo là “Gia Bảo” để đặt hàng.

    Như thường lệ, sau khi giao nội dung và tiền thì Pháp nhận lại tài liệu. Những cuộc giao dịch này diễn ra chóng vánh ở vỉa hè, lề đường,... Do đó, Pháp không rõ thân thế thực sự của “Gia Bảo” này là ai?!

    Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ban chuyên án xác định “Gia Bảo” tên thật là Mai Tài, SN 1991, trú phường An Khê, quận Thanh Khê. Tuy nhiên, Tài vẫn chưa phải là “trùm cuối”. Hắn cũng như Pháp chỉ là kẻ móc nối, ăn chênh lệch.

    Kẻ đạo diễn nên những tài liệu giả mạo chính là Trần Ngọc Trinh, SN 1964, trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng – một chủ hiệu photocopy.

    Trước những dữ liệu có được, ban chuyên án quyết định “giăng câu bắt cá lớn”. Một đơn hàng bí ẩn được “người quen” Trần Đình Pháp chuyển đến Mai Tài. Hắn hí hửng “chốt đơn” rồi hẹn ngày giao mà không hề hay biết Pháp lúc này đã bị cảnh sát bắt giữ. Thế rồi, trưa ngày 4/9, khi đang giao hàng, Tài bị tổ công tác bắt giữ tại cây xăng ngã tư Huỳnh Ngọc Huệ, quận Thanh Khê. Công tác truy xét tiếp tục diễn ra, tại công viên 29/3, “trùm cuối” Trần Ngọc Trinh cũng sa lưới sau đó.

    Qua đấu tranh, các đối tượng trong tổ chức này khai nhận rằng, thông qua mạng xã hội chúng móc nối với nhau để vận hành đường dây làm giấy tờ giả. Pháp nhận thông tin từ các đối tượng có nhu cầu cần giấy tờ nhưng không thể làm được. Sau khi thỏa thuận giá cả, chúng lấy thông tin rồi chuyển đến cho Tài. Tài tiếp tục chuyển đến cho Trinh.

    Trinh là chủ hiệu photocopy nên rất tinh thông các thủ thuật in ấn. Hắn soạn thảo văn bản theo yêu cầu, sau đó chèn vào các hình mẫu con dấu tròn đã được thu thập từ trước, chỉnh sửa rồi in ra giấy. Sau đó, Trinh tiếp tục giả mạo chữ ký vào tài liệu. Hoàn thành, Trinh liên lạc và giao tài liệu trên cho Tài.

    Cơ quan chức năng xác định, các đối tượng này đã móc ngoặc với nhau hoạt động phi pháp từ giữa năm 2019 đến khi bị bắt. Cũng có một chi tiết rất bi hài trong vụ việc này. Qua mỗi mắt xích, chúng liên tục thổi giá để hưởng lợi chênh lệch. Đơn cử như ở phi vụ cuối cùng khiến chúng xộ khám là việc làm giả "Giấy xác nhận tình trạng kinh doanh" cho chị H., “trùm cuối” Trinh chỉ nhận được có 100.000 đồng từ Tài, nhưng Tài nhận 600.000 đồng của Pháp. Và cuối cùng, Pháp nhận đến 2 triệu đồng của chị H..

    Nhâm Thân

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (145)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trum-cuoi-duong-day-lam-gia-121-con-dau-sa-luoi-vi-100000-dong-a338717.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan